|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm nhẹ nhưng vẫn vững vàng ở mức kỷ lục

11:14 | 02/06/2021
Chia sẻ
So với tháng 3, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có phần sụt giảm nhưng so với cùng kỳ năm ngoái và các năm trước kim ngạch mặt hàng này vẫn tăng rất mạnh hơn 100%, đạt mức cao kỷ lục gần 1,4 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 4/2021 giảm trở lại sau khi đạt kỷ lục mới trong tháng 3/2021, đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 7,5% so với tháng trước đó và tăng tới 100,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng 3/2021 và tăng tới 76% so với tháng 4/2020.

Và với giá trị xuất khẩu này, ngành gỗ đã có 7 tháng liên tiếp mà giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD mỗi tháng. Đây là khởi đầu rất thuận lợi cho ngành gỗ năm nay, với mục tiêu đạt 14 tỷ USD.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng tới 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây con số kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch COVID-19 mang lại giữa bối cảnh nhiều ngành hàng vẫn đang ngập trong khó khăn.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm nhẹ nhưng vẫn vững vàng ở mức kỷ lục - Ảnh 1.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hơp: Như Huỳnh)

Như vậy, mặc dù giảm nhẹ so với tháng trước đó, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 4/2021 tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đó nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ 6 trong số các mặt hàng, nhóm hàng xuất lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng năm 2021, chỉ thấp hơn điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dệt may, giày dép.

Về thị trường, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm sang Trung Quốc tăng mạnh gần 25,6 so với tháng 3/2021. Một số thị trường chủ lực như Mỹ Hàn Quốc, Anh, Australia, Đức vẫn duy trì mở mức cao so với tháng trước đó.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm nhẹ nhưng vẫn vững vàng ở mức kỷ lục - Ảnh 2.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hơp: Như Huỳnh)

Tính chung 4 tháng năm 2021, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt hơn 3 tỷ USD và cũng là thị trường đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường chủ lực, tăng tới 95,38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng khá tốt như Trung Quốc tăng hơn 17%; Anh tăng 26,5%; Canada tăng 58,27%; Australia tăng hơn 48%...

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát mạnh trở lại, nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là ngành hàng xuất khẩu chủ lực với tốc độ tăng trưởng cao.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm nhẹ nhưng vẫn vững vàng ở mức kỷ lục - Ảnh 3.

Ngành gỗ đã có 7 tháng liên tiếp mà giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD mỗi tháng. (Ảnh: Như Huỳnh)

Báo Đồng Nai dẫn lời Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. 

Do đó, dù dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại nước ta ngày một tăng.

Trả lời báo Chính phủ, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho rằng thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển. Hiện xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để chúng tiếp cận, chiếm lĩnh. 

"Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam không phải là nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể đứng thứ 4, thứ 3 thế giới về lĩnh vực này", ông Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nếu lượng đơn hàng quá lớn thì khả năng đáp ứng của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí sản phẩm tăng cao do nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, khiến giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.