Nhu cầu dầu thô có thể quay lại mức trước đại dịch vào năm 2022?
Theo trang CNBC, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022, nhờ vào sự hồi phục nhu cầu đi lại, việc ưu tiên sử dụng phương tiện cá nhân và các chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong một nghiên cứu được công bố vào tuần trước, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Mỹ này ước tính nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 8% (khoảng 8,1 triệu thùng/ngày), trong năm 2021 là 6% ( khoảng 5,7 triệu thùng/ngày) và sẽ “hồi phục hoàn toàn” ở mức trước đại dịch vào năm 2022.
Theo IEA việc OPEC cùng các nước đồng minh kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến hết tháng 7 sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cân bằng thị trường.
Mặt hàng xăng được cho là đang trong giai đoạn phục hồi nhanh nhất trong số các sản phẩm từ dầu thô nhờ sự tăng lên trong nhu cầu đi lại, sự chuyển đổi nhu cầu từ phương tiện công cộng sang phương tiện cá nhân, và việc người dân lựa chọn sử dụng ô tô thay thế cho máy bay khi đi du lịch nội địa, đặc biệt là ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc.
Nhu cầu dầu diesel được dự đoán sẽ trở lại mức năm 2019 vào năm 2021 nhờ chính phủ xúc tiến các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nhu cầu nhiên liệu máy bay vẫn ở “mức rất thấp” do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cùng với nhu cầu di chuyển của hành khách hồi phục không đáng kể trong bối cảnh thế giới chưa có vacxin phòng bệnh.
IEA dự đoán sau khi giảm mạnh 3 triệu thùng/ngày trong năm 2020, nhu cầu nhiên liệu máy bay và dầu lửa chỉ tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Ngân hàng Mỹ không kì vọng nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ quay trở lại mức trước đại dịch ít nhất trước năm 2023.
Nhu cầu dầu thô đạt đỉnh?
Dự đoán này được đưa ra sau khi giá dầu thô ở giai đoạn hồi phục “chóng mặt” trong quí II năm 2020, đánh dấu mức tăng nhanh nhất theo quý trong 30 năm qua.
Theo đó, giá dầu WTI và dầu Brent giao sau đều đạt trên mức 40 USD/thùng. Trước đó, hồi tháng 4, giá dầu WTI thậm chí rơi xuống mức âm do hợp đồng giao trong tháng 5 sắp kết thúc trong khi các kho chứa dầu đều đã hết công suất.
Đây là hệ quả của đại dịch COVID-19 khi hàng loạt nước áp dụng biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại khiến nhu cầu dầu thô lao dốc.
Mặc dù giá dầu Brent và giá dầu WTI đều tăng mạnh, lần lượt là 80% và 91% trong quý II nhưng cả hai giá dầu đều đã giảm hơn 1/3 so với đầu năm 2020.
Bên cạnh nguồn cung dư từ các công ty dầu, IEA cho biết tồn kho dầu thô của OECD cũng tăng từ 3,1 triệu thùng/ngày lên 4,9 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Tồn kho dầu thô Mỹ vẫn đạt mức cao kỉ lục đầu tháng 6, ước tính khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Tuy nhiên lượng dầu thô dự trữ tại các tàu chở dầu trên biển (phương án dự trữ cuối cùng trong thời điểm giá cả lao dốc hồi tháng 4) bắt đầu giảm dần vào tháng 5, mặc dù vẫn còn vài triệu thùng dư thừa so với mức cao kỉ lục trước đó.
Theo IEA, sự sụt giảm nhu cầu trong năm nay được xem là lớn nhất trong lịch sử, với nhu cầu trong quý II giảm gần 18 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái.
Trong bản đánh giá mới nhất về thị trường dầu mỏ, IEA cũng cho biết họ có lí do để tin rằng nhu cầu sẽ dần ổn định trong những tháng tới.
Cơ quan này cũng dự đoán năm sau sẽ là một năm bùng nổ về nhu cầu dầu lớn nhất từng được ghi nhận.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, nhu cầu dầu sẽ không đạt đỉnh trước năm 2030.