Nhóm sinh viên nông lâm trồng nấm rơm để bảo vệ sức khỏe mọi người
Nhóm sinh viên thực hiện dự án Nuôi trồng nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp của Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh ở ấp 6, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Họ gọi tên dự án là Naro Food. Hôm 26/12, họ thuyết trình dự án trong vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017 tại Học viện Ngân hàng.
"Ở Việt Nam, nhiều thống kê cho thấy mỗi năm khoảng 115.000 người tử vong vì ung thư. Là những sinh viên ngành nông lâm, chúng tôi muốn sản xuất loại thực phẩm an toàn để nâng cao sức khỏe người dân", một thành viên trong nhóm thực hiện dự án phát biểu.
3 sinh viên thực hiện dự án trồng nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp của ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh thuyêt trình trong vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017 tại Học viện Ngân hàng ở Hà Nội hôm 26/12. Ảnh: Chí Phong |
Giai đoạn 1 của dự án sẽ diễn ra từ quý II năm 2018 tới quý II năm 2019. Nhóm sẽ trồng nấm trên một khu vực có diện tích 576 m2. Giai đoạn 2 sẽ diễn ra từ quý III năm 2019 tới quý III năm 2020, trên diện tích 3.576 m2.
"Nấm rơm là một trong những loại thực phẩm rất giàu vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C trong nấm rơm cao gấp 6 lần hàm lượng vitamin C trong cam, quýt. Các chất trong nấm rơm ngừa xơ vữa động mạch, giảm cholesterol trong máu, ngừa ung thư", một sinh viên trong nhóm dự án nói lý do họ chọn nấm rơm.
Số liệu từ Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp cho thấy nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp lên tới 40 triệu tấn mỗi năm. Với lượng phụ phẩm như thế, nguồn nguyên liệu để trồng nấm rơm rất dồi dào.
Theo đánh giá của Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật, thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới gió mùa - đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - rất phù hợp với việc trồng nấm.
Nguồn nhân lực để trồng nấm cũng khá dồi dào, bởi dân số ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 22% dân số cả nước và tới 75% dân số ở đây sống ở vùng nông thôn.
Về thị trường tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp Việt Nam đề ra mục tiêu cả nước đạt 1 triệu tấn nấm mỗi năm, trong đó 50% sản lượng sẽ phục vu hoạt động xuất khẩu. Cũng theo Bộ Nông nghiệp, nhu cầu đối với nấm trên thế giới đạt khoảng 20 triệu tấn/năm.
Trong giai đoạn thí điểm, Naro Food sẽ hợp tác với công ty Sài Gòn Food để họ phân phối sản phẩm trong hệ thống siêu thị Sài Gòn Food.
Sau 4 lượt chấm chéo mà ban tổ chức chia thành 2 vòng, 6 dự án có số điểm cao nhất lọt vào chung kết, gồm: Công ty tổ chức sự kiện và cung ứng nhân sự từ sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Trường Đại học Lạc Hồng; Dịch vụ kết nối Homestay Belocals của Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh; Nuôi trồng nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp của Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh; Sản xuất và kinh doanh nấm ăn cao cấp Hoàng đế và giá thể trồng rau sạch của Đại học Lâm nghiệp; Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass của Công ty CP VP9 Việt Nam; Trang trại gà H’Mong B&C của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đơn vị chỉ đạo cuộc thi), sau khi cuộc thi kết thúc, Ban tổ chức sẽ tổ chức Festival Khởi nghiệp để trao giải cho các dự án xuất sắc nhất cuộc thi Khởi nghiệp 2017; đồng thời tổ chức chào đầu tư cho các dự án cam kết sẽ triển khai thực tiễn tại Festival Khởi nghiệp 2018 được tổ chức vào tháng 1/2018. Cũng tại Festival Khởi nghiệp 2018, các hoạt động bên lề khác sẽ diễn ra, như: Trưng bày các sản phẩm triển khai thực tế của các dự án khởi nghiệp, giao lưu và gặp gỡ với các chủ dự án đã đạt giải các năm trước; giao lưu với các cố vấn, huấn luyện viên của chương trình Khởi nghiệp quốc gia. |