|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hơn 123.000 tỷ trái phiếu đáo hạn trong năm 2022, nhóm doanh nghiệp BĐS xoay sở thế nào?

16:00 | 06/07/2022
Chia sẻ
KBSV cho rằng, tình hình hoạt động ở nhóm BĐS niêm yết nói riêng và lĩnh vực BĐS nói chung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong hai quý cuối năm khi dòng tiền vào lĩnh vực này bị siết chặt cả từ kênh phát hành TPDN và dòng vốn tín dụng.

Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) năm 2022 khoảng 123.400 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng phần lớn đến từ nhóm doanh nghiệp BĐS không niêm yết chiếm 84,5%, và nhóm niêm yết chỉ chiếm 15,5%.

Trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất, nhóm phân tích cho rằng các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn trong vài quý tới, kết hợp với việc cần số tiền lớn nhằm phục vụ cho việc đáo hạn trong năm nay có thể làm gia tăng áp lực lên cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp này, và cả ngành BĐS nói chung. 

 

Tuy nhiên, KBSV cho rằng, điểm tích cực ở nhóm BĐS niêm yết là các doanh nghiệp quy mô lớn đang tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền. Điều này được thể hiện qua doanh số ký bán mới tăng mạnh trong đầu năm 2022 ở một số doanh nghiệp như VHM (16.500 tỷ đồng), NVL (28.000 tỷ đồng), NLG (7.880 tỷ đồng) và DXG (400 tỷ đồng,…) và triển vọng doanh số ký bán ấn tượng cả năm 2022.

Bên cạnh hai kênh huy động vốn truyền thống là tín dụng và trái phiếu trong nước, các doanh nghiệp BĐS niêm yết cũng đã và đang đa dạng nguồn vốn, tiếp cận các kênh mới như quỹ đầu tư, M&A và liên doanh quốc tế. Cụ thể, Novaland mới đây đã hoàn tất chào bán 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền cho các đối tác nước ngoài, Đất Xanh dự kiến phát hành xong 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong quý 3/2022 trái phiểu chuyển đổi quốc tế,…

''Nhóm BĐS niêm yết quy mô lớn hoàn toàn có khả năng trả nợ khi đến thời điểm đáo hạn TPDN tuy cũng chịu áp lực chung của ngành BĐS trong bối cảnh hiện tại. Còn đối với các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ sẽ cần thời gian để có các đánh giá chi tiết hơn'', nhóm phân tích đánh giá.

 

Theo KBSV, dù sẽ không xuất hiện các sự kiện đổ vỡ gây lan toả mạnh ở nhóm các doanh nghiệp BĐS niêm yết vốn hoá lớn như đã phân tích ở trên nhưng tình hình hoạt động ở nhóm BĐS niêm yết nói riêng và lĩnh vực BĐS nói chung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong hai quý cuối năm khi dòng tiền vào lĩnh vực này bị siết chặt cả từ kênh phát hành TPDN và dòng vốn tín dụng.

Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ một phần cũng bắt đầu quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế mở cửa trở lại, đặc biệt trong bối cảnh giá BĐS nhiều khu vực đã ghi nhận mức tăng mạnh trong hai năm trở lại đây.

Trong kịch bản tiêu cực, nếu thị trường BĐS diễn biến ảm đạm, nhóm phân tích nhận định việc đẩy mạnh bán hàng gặp khó khăn, không thu xếp được nguồn vốn đảo nợ dẫn đến gián đoạn vòng quay tiền, có thể gây ra hệ luỵ lan toả lên hoạt động của ngành ngân hàng khi hai ngành này có mối liên thông chặt chẽ với nhau.

Dù vậy, về tổng thể, KBSV cho rằng các vấn đề sẽ tập trung cục bộ ở số ít doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ với sức khoẻ tài chính yếu kém và khó tạo nên sự đổ vỡ có tính chất lan toả mạnh.

Nhóm phân tích nhận định, ngành BĐS đang đóng góp gần 8% GDP hàng năm, và có sức lan tỏa đến hơn 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế. Do đó, các hoạt động thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng là cần thiết nhằm ổn định, và giúp thị trường luôn có những bước điều tiết để có thể phát triển bền vững trong dài hạn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.