98.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phải trả nợ trong năm 2022
Theo số liệu của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 5 đạt 50.144 tỷ đồng, tăng mạnh 200% so với tháng trước, đóng góp chủ yếu đến từ 525 triệu USD phát hành trái phiếu quốc tế của Tập đoàn Vingroup (chiếm 60%).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động tích cực hơn, chủ yếu ở nhóm ngân hàng chiếm 60% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong nước cho thấy các ngân hàng đang nỗ lực tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), một trong các chỉ tiêu để được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng và vừa đảm bảo hoàn thành sớm các chỉ tiêu Basel 2 và 3.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại sau một tháng không có đợt phát hành nào, và chiếm 22% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong nước.
KBSV cho biết, các doanh nghiệp có xu hướng phát hành với kỳ hạn không có nhiều sự phân hóa trong tháng 5 với kỳ hạn phát hành bình quân 3 năm. Nhóm điện là nhóm có kỳ hạn phát hành lớn nhất trong tháng, với bình quân đạt 5,7 năm. Bên cạnh đó, nhóm tài chính lại là nhóm có kỳ phát hạn thấp nhất trong tháng với bình quân đạt 2 năm.
Năm 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của các doanh nghiệp có quy mô 230.000 tỷ đồng, trong đó đáo hạn tập trung ở nhóm bất động sản đạt 98.000 tỷ đồng, các ngân hàng đạt 70.000 tỷ đồng, còn lại ở nhóm ngành sản xuất,…
KBSV đánh giá, nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao, tuy nhiên sẽ gặp phải nhiều thách thức về mặt chính sách và pháp lý trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai việc kiểm soát chặt chẽ việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thông qua dự thảo sửa đổi lần 5 Nghị định số 153/2020/NĐCP.
Đặc biệt nhóm bất động sản sẽ là nhóm chịu nhiều áp lực nhất từ đợt đáo hạn này, khi kênh tín dụng vào lĩnh vực này cũng đang chịu sự giám sát chặt chẽ. Đơn vị này dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hoạt động ở mức thấp trong vài tháng tới, khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều cần thời gian để làm quen và thích ứng dần với sự thay đổi trong chính sách, và pháp lý.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup đánh giá, trong bối cảnh tín dụng và trái phiếu bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ, áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp địa ốc nói riêng rất lớn trong 2 - 3 năm tới.
“Quy mô trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khoảng 487.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 4/2022 và 63% giá trị này (tương đương khoảng 305.000 tỷ đồng) sẽ có điểm rơi đáo hạn vào ba năm tới đây (2022 - 2024). Giá trị dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết suy giảm do dịch bệnh cho thấy sức khỏe tín dụng đang suy giảm", ông Thuân nhận định.