|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN: Việt Nam không sử dụng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế

15:49 | 04/07/2019
Chia sẻ
NHNN cho biết đã phối hợp làm việc với Bộ Tài chính Mỹ xung quanh việc Việt Nam được đưa vào danh sách các quốc gia cần giám sát. Nội dung làm việc khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam không có mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Việt Nam không sử dụng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo của NHNN (Nguồn: SBV).

Tại phiên họp thường kì quí II/2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có báo cáo liên quan đến việc Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia cần giám sát trong báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".

Cụ thể, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã phối hợp làm việc với Bộ Tài chính Mỹ xung quanh việc Mỹ mở rộng danh sách các quốc gia cần giám sát (trong đó có Việt Nam).

Nội dung làm việc khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lí, điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và đặc thù của Việt Nam, không có mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Đồng thời, NHNN cũng đã thực hiện công tác truyền thông kịp thời để ổn định tình hình thị trường trong nước.

Trước đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Báo cáo đưa danh sách 9 quốc gia cần giám sát bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia.

Ngay khi có thông tin này, NHNN đã phát đi thông cáo chính thức cho biết Báo cáo Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ. Trong đó, Trung Quốc chỉ thỏa mãn một tiêu chí nhưng có thặng dư thương mại hàng hóa song phương rất lớn với Mỹ và 8 đối tác thương mại lớn khác thỏa mãn 2 trên 3 tiêu chí.

NHNN cũng cho biết với việc Việt Nam vào danh sách giám sát, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Mỹ ngoài việc theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lí, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.

Quốc Thụy