|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN lý giải việc phân toàn bộ room tín dụng ngay từ đầu năm

14:14 | 03/01/2024
Chia sẻ
Cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành của NHNN, thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn cơ chế xin cho như biểu hiện của việc cấp room trước đó.

Vì sao NHNN giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao ngay toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay nhằm mục đích thúc đẩy việc bơm vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn. 

Vụ trưởng Quang cho biết khó khăn của nền kinh tế năm 2023 vẫn tiếp tục trong năm 2024. Các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa hạ lãi suất và duy trì ở mức rất cao.

Khả năng suy thoái nhẹ ở những nền kinh tế như Mỹ vẫn có thể xảy ra. Xu hướng xuất khẩu giảm, nhu cầu toàn cầu giảm sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam do nước ta có độ mở rất lớn. 

Nhìn vào kinh tế năm 2023 cũng có thể thấy rõ rằng nền kinh tế Mỹ, châu Âu hay G7 chưa suy giảm, nhưng xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam đã tụt rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tổng cầu, thu nhập, việc làm. 

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN. (Ảnh: SBV).

"Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, NHNN nhận thấy cần phải giao ngay tăng trưởng tín dụng để cố gắng thúc đẩy tổng cầu tăng, thúc đẩy tăng trưởng", ông cho biết. "Ngay từ đầu năm, NHNN đã cung ứng đủ vốn, kịp thời thúc đẩy nhu cầu hợp pháp, thúc đẩy sự lan tỏa vốn vào nền kinh tế".

Đồng thời, ông Quang chỉ ra rằng "ngoài tín dụng ngân hàng, nguồn vốn cho nền kinh tế còn đến từ đầu tư công, FDI, tư nhân, kiều hối giải ngân và trái phiếu doanh nghiệp".

"Hy vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi trong năm 2024, góp phần thúc đẩy thị trường huy động vốn trung dài hạn của nền kinh tế, giảm gánh nặng của ngân hàng, giảm rủi ro thanh khoản", ông nói thêm.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đã không đạt được mục tiêu đề ra. 

Để giao mức tăng trưởng tín dụng 15%, đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết NHNN đã tính toán đến những yếu tố về mặt rủi ro hệ thống. 

Ông cho biết, hiện nay, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín nhiệm đều cảnh báo Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng có dư nợ tín dụng/GDP ở mức rất cao. 

Theo thang chấm điểm của World Bank, Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Theo đánh giá của Moody và Fitch Ratings, Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP cao nhất trong các quốc gia có mức xếp hạng Ba2 và BB+.

Các tổ chức quốc tế luôn cảnh báo rủi ro an toàn hệ thống, an ninh tài chính Việt Nam trong bối cảnh hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia cao.

"Mặc dù thời gian vừa qua, NHNN đã điều hành rất nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh, nhưng nợ xấu vẫn tăng nhanh, đến nay gần 5%, là mức rất cao", ông nhận định. 

Vụ trưởng Vụ Chinh sách Tiền tệ cho hay: "Nợ xấu của ngân hàng do doanh nghiệp và người dân không có khả năng trả nợ. Trong bối cảnh như vậy mà hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới an toàn hệ thống".

"Đây là nguyên nhân mà NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết của việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng", ông giải thích. 

Chia sẻ thêm về vấn đề này Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành.Đây là thông điệp muốn nói rằng vốn của nền kinh tế năm 2024 cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm hơn.

"Nếu như những năm trước đây chúng ta coi đó là những khoản cấp phát thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.", ông nói

Tuy cấp toàn bộ hạn mức vào đầu năm nhưng ông Tú cho biết nếu ngân hàng nào hết hạn mức thì NHNN vẫn xem xét có thể tiếp tục gia tăng nhưng điều kiện đi kèm là nền kinh tế phải cho phép việc mở rộng tín dụng để đảm bảo cấp tín dụng đúng đối tượng và an toàn hệ thống.

"Điều đó thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn cơ chế xin cho nào cả, điều này Thủ tướng đã chỉ đạo dứt khoát. Trong thời gian qua mặc dù biểu hiện cấp room tín dụng là như vậy nhưng bản chất cũng chỉ là đánh giá để tín dụng đi vào đúng đối tượng", Phó Thống đốc chia sẻ.

Lãi suất liên ngân hàng thấp nhất từ khi thành lập tới nay

Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết lãi suất trên thị trường, đặc biệt là lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cũng ở mức 0,2 -0,5%/năm, thấp kỷ lục từ khi thị trường được thành lập, tạo điều kiện tốt cho các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn, giảm lãi suất cho vay.

"Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng giảm nhanh chóng. Lãi suất huy động bình quân với các giao dịch mới phát sinh là 3,9%/năm, các giao dịch cho vay mới là 6,7%/năm, giảm trên 2,5 điểm % so với cuối năm 2022", ông Quang báo cáo. 

Với mặt bằng này thì lãi suất huy động, cho vay mới đã thấp hơn khá xa so với mặt bằng trước đại dịch COVID, thể hiện nỗ lực rất lớn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ông nhận định.

Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm nhanh chóng trong năm vừa qua. (Ảnh: WiChart).

Về độ trễ lãi suất huy động và lãi suất cho vay, ông Quang lý giải rằng nguyên nhân là do bản chất cấu trúc của huy động và cho vay

"Trong cấu trúc bảng cân đối tài sản của ngân hàng thương mại, 80% nguồn vốn là huy động ngắn hạn, trong khi hơn 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung dài hạn", ông nói. "Những khoản huy động trung dài hạn chỉ chiếm 20% nguồn vốn dài hạn, do đó, trong thời gian vừa qua, lãi suất, chi phí huy động giảm rất nhanh".

Tuy nhiên, Vụ trưởng Quang cho hay, 50% dư nợ tín dụng lại là cho vay trung dài hạn, có lãi suất giảm chậm hơn.

"Hợp đồng tín dụng của ngân hàng thương mại, nhất là cho vay trung dài hạn, thường dựa vào lãi suất trung dài hạn (12 tháng hoặc 24 tháng), rồi cộng thêm biên độ, dẫn đến kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay trung dài hạn chậm hơn rất nhiều", ông giải thích.

Kết quả từ sự khác biệt giữa cấu trúc huy động và cho vay khiến  cho lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động.

Minh Quang