NHNN đề xuất cho phép sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước
Theo báo cáo trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước nhân định các ngân hàng thương mại (NHTM) do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đến cuối tháng 12/2018, vốn điều lệ của nhóm NHTM Nhà nước đạt 151,76 nghìn tỉ đồng; tăng 2,23% so với cuối năm 2017. Tổng tài sản đạt 5.021,9 nghìn tỉ đồng; tăng 7,01% so với cuối năm 2017, trong đó cho vay thị trường 1 tăng 13,34% so với cuối năm 2017. Tỉ lệ nợ xấu là 1,35%.
Đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của NHTMNN đạt 152,88 nghìn tỉ đồng, tăng 0,73% so với tháng 12/2018. Tổng tài sản đạt 5.057,4 nghìn tỉ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2018; cho vay thị trường 1 tăng 2,8% so với cuối năm 2018. Tỉ lệ nợ xấu là 1,51%.
Hiện nay, NHNN cho biết đã hoàn thành việc phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của cả 4 NHTM Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Đồng thời, để đảm bảo các ngân hàng này đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư để xử lí vấn đề tăng vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt đối với các đề xuất của NHNN về phương án xử lý các TCTD yếu kém.
NHNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lí, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (ngoại trừ các ngân hàng mua bắt buộc).
Cùng với đó, NHNN cũng đề xuất đẩy mạnh các biện pháp xứ lí các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Đồng thời, có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể hơn để thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lí TSĐB và nghĩa vụ nộp thuế; Xem xét, nghiên cứu, bổ sung trường hợp việc sang tên, đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của TCTD vào trường hợp tạm thời chưa thu thuế.