NHNN đã hút hơn 200.000 tỷ đồng, lượng tín phiếu lưu hành cao nhất trong năm nay
Ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút thêm 20.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu, đưa tổng lượng hút tiền qua kênh này trong 17 phiên liên tiếp lên gần 206.000 tỷ đồng. Đây đều là tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày.
Trong hai phiên gần đây, NHNN đã tăng tốc độ hút tiền sau khi lãi suất trúng thầu và lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang có xu hướng đi xuống so với đầu tháng 10. Với khối lượng lưu hành đạt hơn 200.000 tỷ đồng, quy mô của đợt phát hành lần này cao hơn so với hai đợt đầu năm nay.
Lô tín phiếu hôm nay có lãi suất trúng thầu là 0,95%/năm, cao hơn ba phiên gần nhất nhưng vẫn tiếp tục thấp hơn so với mức đỉnh 1,3%/năm ghi nhận vào ngày 4 và 5/10. Số lượng tổ chức tham gia đấu thấu/trúng thầu phiên hôm nay thấp hơn phiên hôm qua (tương ứng 9/8 và 11/10).
Sau khi NHNN hút tiền trên thị trường mở, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng từ 0,14%/năm vào ngày 21/9 lên 1,32%/năm vào ngày 5/10, mức cao nhất kể từ tháng 5, kéo chênh lệch lãi suất giữa VND và USD xuống khoảng 4%.
Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, lãi suất liên ngân hàng lại có xu hướng giảm. Đến ngày 11/10, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đạt 0,37%/năm, tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá. Dự kiến sang tuần sau, hai lô tín phiếu đầu tiên sẽ đáo hạn, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng sẽ được bơm trở lại thị trường mở.
Theo giới chuyên gia, động thái phát hành tín phiếu có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao và giúp giảm chênh lệch lãi suất USD và VND, từ đó làm giảm áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng động thái của NHNN không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ.
NHNN lựa chọn phát hành tín phiếu làm phương án bắt đầu trong năm 2023, thay vì bán dự trữ ngoại hối như năm 2022, nhằm hạn chế ảnh hưởng dài hạn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng.