NHNN bơm hơn 40.000 tỉ đồng vào thị trường thông qua kênh mua, bán ngoại tệ?
Theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần giao dịch 10/8 – 14/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện hoạt động bơm hay hút ròng trên thị trường mở.
BVSC dẫn môt nguồn tin cho biết NHNN đã mua vào gần 2 tỉ USD trong các tuần gần đây. Điều này đồng nghĩa với việc đã có khoảng hơn 40.000 tỉ đồng được NHNN bơm vào thị trường. Trong khi đó, NHNN cũng không có động thái hút ròng vốn về thông qua kênh tín phiếu. Do vậy, thanh khoản hệ thống tiếp tục ở trạng thái dồi dào.
"Chúng tôi cho rằng để tạo mặt bằng ổn định cho thanh khoản, qua đó tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất cho vay, NHNN có thể sẽ tiếp tục không thực hiện can thiệp vào thị trường mở trong ngắn hạn", nhóm phân tích BVSC nhận định.
Trước đó, trong báo thị trường tuần 3/8 - 7/8, BVSC cho biết, đến cuối tháng 7, tỷ giá USD/VND đã xuống thấp hơn mức giá mua vào của NHNN. Diễn biến này có thể dẫn đến động thái mua vào ngoại tệ vào của NHNN, tương ứng sẽ có một lượng tiền mới được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng tuần qua quay đầu giảm ở các kì hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, lần lượt giảm 0,04 điểm %; 0,03 điểm % và 0,02 điểm %, đưa lãi suất các kì hạn này giảm xuống mức 0,18%/năm; 0,31% và 0,32%/năm.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm trong tuần tăng nhẹ 12 đồng, lên mức 23.212 VND/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng nhẹ 9 đồng lên mức 23.176 VND/USD.
Theo BVSC, thông tin NHNN mua vào gần 2 tỉ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối là có cơ sở khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM liên tục chạm ngưỡng mua vào 21.175 VND/USD của Sở giao dịch NHNN thậm chí có phiên thấp hơn và thặng dư thương mại đạt hơn 8 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm.
Trên cơ sở đó, BVSC dự báo VND có thể sẽ mất giá không quá 1% so với đồng USD trong năm 2020.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY (thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh) đóng cửa tuần ở mức 93,33 điểm, giảm 0,11% so với tuần trước đó. Đồng USD có biến động trái chiều với các đồng ngoại tệ. Cụ thể, đồng USD tăng giá 0,95% so với JPY. Ngược lại, USD giảm giá so với GBP, EUR, SEK, CAD và CHF lần lượt 0,11%; 0,23%; 0,73%; 0,64% và 0,71%.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 0,6%; đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1991. Theo BVSC, chỉ số lạm phát tăng mạnh đã gây áp lực lên USD khiến đồng tiền này.
Ngoài ra, tổng thống Trump cũng đang kêu gọi một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỉ USD để tận dụng lãi suất thấp. Nếu các kế hoạch được thông qua, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng có thể tiếp tục khiến đồng USD bị suy yếu trong thời gian tới.