Nhịp sống ở tâm dịch Sơn Lôi những ngày phong toả
Trong tiếng củi cháy lách tách, các cán bộ làm việc ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 11 thuộc thôn An Lão, xã Sơn Lôi vẫn túc trực. Sương lạnh, đống lửa được đốt cả đêm để giữ ấm cho lực lượng canh gác bên chiếc lều dã chiến.
Bên cạnh họ là những bình phun sát khuẩn, khẩu trang, nước rửa tay. Dù buổi đêm không có hoạt động giao thương và đi lại, các chốt vẫn hoạt động để đảm bảo công tác phòng dịch.
12 chốt kiểm soát dịch quanh xã Sơn Lôi hoạt động 24/24h, chia thành 6 ca trực, mỗi ca luôn có có 2 nhân viên y tế, 4 chiến sĩ công an cùng 1 đại diện kiểm soát quân sự.
Những người trực chiến trong đêm
Chị Phùng Thị Kiều Lương cứ một lúc lại nhìn vào điện thoại để mở tin nhắn của hai cô con gái. Ca trực của chị bắt đầu từ 19h đến 23h. Đó cũng là khoảng thời gian hai đứa trẻ học bài xong và chỉ mong ngóng được nói chuyện với mẹ. 10 ngày kể từ khi chị Lương tham gia phòng dịch ở Sơn Lôi cũng là khoảng thời gian người phụ nữ này xa gia đình.
“Chưa bao giờ tôi đi công tác lâu ngày đến vậy”, nữ nhân viên của Trung tâm y tế thành phố Vĩnh Yên nói
Nhớ lại ngày đầu tiên nhận chỉ thị xuống Sơn Lôi hỗ trợ phòng dịch, chị cũng như những nhân viên y tế khác chỉ có 2 tiếng chuẩn bị, không kịp gặp gia đình.
“Mẹ ơi còn bao nhiêu ngày nữa mẹ về?” - cô con gái học lớp 3 vẫn hỏi chị Lương mỗi ngày. Chị trả lời cô bé với tâm lý sẵn sàng trực chiến ít nhất là hết 20 ngày cách ly tại Sơn Lôi.
Từ ngày xuống công tác tại đây, chị lặp lại công việc trực tại các chốt, về phòng ăn uống nghỉ ngơi rồi lại đi trực. Ngoài cán bộ và nhân dân xã Sơn Lôi, chị không được tiếp xúc với bất kỳ ai.
Giống như chị Lương, trung tá Văn Duy Yên, cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cùng nhiều đồng nghiệp được lệnh xuống Sơn Lôi kiểm soát dịch Covid-19. Xa gia đình nhiều ngày nhưng anh tự động viên bản thân bởi cách ly không chỉ tốt cho người dân Bình Xuyên, mà còn cho cả tỉnh Vĩnh Phúc trong đó có cả gia đình anh.
“Dù nhớ nhưng sau giờ làm có thể gọi video, ngày nào cũng có thể nhìn thấy mấy đứa trẻ”, anh vui vẻ nói.
Tấp nập vận chuyển nhu yếu phẩm
Tờ mờ sáng, khung cảnh tại chốt kiểm soát dịch số 1 như một phiên chợ đầu mối. Chốt số 1 là điểm trọng yếu của toàn xã, kiểm soát 98% hoạt động đi lại, giao thương của địa bàn gần 11.000 dân. Lúc này, các loại hàng hoá từ rau củ, bánh mì, hoa tươi đã được chuyển đến. Thương lái xếp các bao tải thành từng nhóm phía trước rào chắn. Hàng hoá của hộ dân nào họ sẽ tự đến chở về.
Các hoạt động cứ nhịp nhàng như thể thương lái đã quá quen thuộc với cách vận chuyển ấy.
5h30, bà Trần Thị Bắc kéo xe hàng đến chốt kiểm dịch, chờ đợi thương lái mang rau củ đến. Sau khoảng 20 phút, xe hàng của bà đã đầy ắp su hào, súp lơ... “Gà, vịt, thịt lợn không thiếu đâu, chỉ thiếu rau xanh thôi!” người phụ nữ luống tuổi vừa bốc hàng vừa nói.
Chuyến xe của bà Bắc phục vụ cho nhân dân thôn An Lão. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Công Thương kết hợp với Liên minh các Hợp tác xã trên địa bàn triển khai bình ổn giá, thành lập các điểm bán hàng lưu động đưa hàng hoá thiết yếu vào tận các thôn, xóm, đảm bảo đời sống người dân không bị xáo trộn.
Hoạt động giao thương này được kiểm soát kỹ lưỡng. Hàng có thể vào nhưng chuyển ra bên ngoài là hoàn toàn không. Những tờ tiền được đưa ra ngoài cũng đều được diệt khuẩn.
Cán bộ công an, y tế ngoài việc kiểm soát hoạt động giao thương còn tranh thủ vận chuyển hàng hoá cho bà con. Thượng úy Phạm Ngọc Tuyên là người tiếp xúc với người dân Sơn Lôi hàng ngày. Anh luôn tay xách những túi bánh mì hay tải rau củ cho lên xe hàng.
“Chúng tôi ở đây không lo vất vả, chỉ sợ người dân mặc cảm vì bị kỳ thị”, anh nói.
Nhận định xăng dầu cũng là nhu yếu phẩm, Sở Công Thương đã chỉ đạo thành lập một điểm bán xăng lưu động.
Nhân viên trạm xăng tên Phương đều đặn có mặt từ 7h sáng đến 17h30 hàng ngày. Phải tiếp xúc với người dân thường xuyên chị cũng phải trang bị quần áo cách ly đúng quy định. Mỗi ngày trạm di động này bán được 500-600 lít xăng.
Bình yên nơi tâm dịch
Là một trong những hộ thuộc diện nghèo của thôn An Lão (xã Sơn Lôi), gia đình bà Phạm Thị Sáo có lẽ chưa bao giờ lại có đầy đủ thành viên ở nhà lâu như Tết năm nay. Con trai đang học lớp 11, chồng làm phụ hồ khắp nơi, còn bà thì làm công nhân vệ sinh tại khu công nghiệp.
Từ sau Tết, cả gia đình chưa kịp quay lại guồng quay của cuộc sống thì lệnh “cách ly” được ban hành.
Ngồi trong căn nhà cũ đã hơn 100 năm nhưng chưa có điều kiện sửa chữa, bà Sáo cho rằng từ khi có lệnh cách ly, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại chỉ còn trông vào 2 sào ruộng và phần lương trợ cấp ít ỏi.
“Phía công ty cho tôi nghỉ phép, còn chồng tôi thì chẳng được chủ thầu gọi đi nữa”, chút buồn thoáng qua trên đôi mắt của người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi. Có lẽ bà Sáo cũng như người dân Vĩnh Phúc nói chung, đến giờ vẫn chạnh lòng khi nhắc tới câu chuyện bị một số người kỳ thị chỉ bởi vì nơi mình sinh ra.
Nói về cuộc sống những ngày trong tâm dịch, bà Sáo cho biết chưa bao giờ bà và những người dân Sơn Lôi lại vững tin như thời gian qua.
“Có tin đồn chúng tôi hoảng loạn khi cách ly. Không đúng, Nhà nước lo cho mình, cử bác sĩ, công an, quân đội xuống tận đây chăm sóc. Ai có dấu hiệu bệnh thì đi cách ly tập trung, chẳng có gì chúng tôi phải hoảng sợ”, bà Sáo khẳng định.
Xã Sơn Lôi thành lập 30 tổ tình nguyện hàng ngày đến từng nhà đo thân nhiệt từng người và ghi chép kết quả vào Phiếu kiểm tra sức khỏe của từng hộ dân.
Sau Tết, nông dân Bắc Bộ bước vào gieo cấy vụ Đông Xuân, đây được đánh giá là vụ lúa quan trọng nhất năm. Với phương châm không để người dân khó khăn vì chống dịch, cơ quan chức năng địa phương đã quyết định cứ 2 ngày một lần, các hộ dân có khoảng ruộng quanh xã được phép ra thăm đồng, chăm lúa trong 3 giờ đồng hồ.
Chốt ra ruộng được bố trí phía đầu cầu An Lão (thôn An Lão). 13h30 - chưa đến giờ được qua chốt nhưng hàng trăm nông dân đã sẵn tay cày, tay cuốc đứng kín trên cầu. Khi có hiệu lệnh, họ sẽ được qua chốt, thực hiện khử trùng, đồng thời ký tên vào danh sách.
“Chúng tôi bố trí lực lượng canh gác tại các đồng, ruộng có dân làm việc, đồng thời người dân ra vào đều được ký xác nhận, nếu ai thiếu sẽ biết ngay”, trung tá Văn Duy Yên (cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc) nói.
Chợ Sơn Lôi từ ngày xã cách ly đã phải chuyển địa điểm họp vào trong, mỗi buổi sớm khi trời còn chưa sáng tỏ, hàng hoá đã được các thương lái đưa qua chốt, khử trùng rồi vận chuyển vào. Người dân Sơn Lôi nói vui rằng từ ngày cách ly, họ yên tâm hơn về hàng hoá, thực phẩm bởi tất cả đều được kiểm dịch, sát trùng mà giá cả lại không hề tăng.
“Cháu tôi dưới Vĩnh Yên gọi lên hỏi có thiếu gì không nó chuyển lên. Tôi đùa rằng vịt vẫn 120.000 đồng/con, ngan vẫn 50.000/kg, có khi còn nhiều và rẻ hơn dưới ấy”, ông Tuyên nói.
Con đường làng rộng chưa đầy 3 mét ngày thường vắng bóng người nay lại tấp nấp cảnh buôn bán, khiến đi lại có đôi chút khó khăn. Khoảng đường trước nhà ông Tuyên từ ngày cả xã cách ly đã bất đắc dĩ trở thành mặt tiền của chợ.
Ông cho biết dù chợ về không tránh khỏi có rác và ồn ào hơn trước nhưng ông vẫn rất hài lòng và chấp nhận, bởi “những lúc thế này, mỗi người cùng cố gắng một chút vì mọi người thì nỗi khó khăn sẽ vơi đi hơn”.