|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhìn lại năm 2023, dự báo năm 2024: Một năm nhiều 'thăng trầm' của thị trường trái phiếu toàn cầu

09:57 | 15/12/2023
Chia sẻ
Thị trường trái phiếu thế giới chứng kiến một năm nhiều sóng gió, khi lợi suất tăng lên mức cao kỷ lục, làm hàng nghìn tỷ USD trị giá trái phiếu bị "thổi bay" do mất giá.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

 

Thị trường trái phiếu thế giới chứng kiến một năm nhiều sóng gió, khi lợi suất tăng lên mức cao kỷ lục, làm hàng nghìn tỷ USD trị giá trái phiếu bị "thổi bay" do mất giá.

Trong bối cảnh lãi suất cao và nhiều căng thẳng địa chính trị, những biến động của thị trường trái phiếu ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Tháng 10/2023, lợi suất trái phiếu toàn cầu đã lập đỉnh mới. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (được coi là chuẩn mực của thị trường trái phiếu), dao động trong một biên độ rộng - từ mức thấp nhất là 3,25% trong tháng 4/2023 lên mức cao 5,02% trong tháng 10/2023. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7/2007, lợi suất trái phiếu tăng vọt lên ngưỡng này.

Tại châu Âu, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm cũng có lúc vượt ngưỡng 3%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi tại Nhật Bản, quy định về trần lợi suất trái phiếu 1% đã khiến nhu cầu trái phiếu chính phủ trong nước sụt giảm đáng kể, khi các nhà đầu tư hướng vào thị trường trái phiếu Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.

Vào tháng 11/2023, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định bỏ giới hạn trần lợi suất trái phiếu chính phủ, nhằm mục đích thúc đẩy nhà đầu tư Nhật Bản tăng đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ trong nước và bán bớt trái phiếu kho bạc Mỹ.

Lợi suất trái phiếu tính bằng lợi tức cuống phiếu chia cho giá trái phiếu, có đơn vị tính là %/năm. Con số này phản ánh mức lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi mua một trái phiếu cụ thể. Một đặc điểm cơ bản của trái phiếu là khi giá trái phiếu tăng thì lợi suất trái phiếu sẽ giảm và ngược lại.

Theo thống kê của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, từ tháng 1-10/2023, Kho bạc Mỹ đã huy động được 1.800 tỷ USD. Tuy nhiên, sự sụt giá của trái phiếu sẽ góp phần làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ lên ngưỡng 1.700 tỷ USD trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào ngày 30/9), tăng thêm 320 tỷ USD so với năm tài chính trước đó.

Giới phân tích nhận định xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu, đi kèm với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và đà tăng của tỷ giá đồng USD đe dọa làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Chưa kể, tốc độ nhanh và mạnh của đợt tăng lợi suất trái phiếu vừa qua cũng làm gia tăng nguy cơ gây ra những đứt gãy trên thị trường tài chính toàn cầu.

Lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ đẩy chi phí trả nợ của chính phủ lên cao, từ đó có thể tác động đến các quyết định về thuế và chi tiêu. Hơn nữa, lợi suất cao hơn dự kiến sẽ làm nền kinh tế chậm lại vì chúng làm tăng chi phí vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình, gây thêm áp lực lên đầu tư của công ty và chi tiêu của người tiêu dùng.

Các công ty có mức nợ cao có thể phải chịu áp lực lớn hơn, đồng thời có thể có áp lực lên hệ thống tài chính. Bằng chứng là, đầu năm nay, lợi suất trái phiếu tăng cao đã gây ra nhiều vấn đề cho các ngân hàng địa phương của Mỹ, trong đó có vụ phá sản của ngân hàng SVB.

Nguyên nhân chính đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao, theo các nhà phân tích, là tập hợp của một loạt yếu tố như giá dầu thô tăng, rủi ro lạm phát và tín hiệu lãi suất từ Fed. Hơn nữa, việc mở rộng khoản vay của các chính phủ (tăng nợ) cũng là một lý do khiến lợi suất trái phiếu phình to.

Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Dịch vụ Tài chính Geojit, ông Vonod Nair, nhận định: “Những lo ngại ngày càng tăng xung quanh việc lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài hơn đã thúc đẩy xu hướng tăng liên tục của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm”.

Các nhà đầu tư lo lắng về kế hoạch vay nợ khổng lồ của chính phủ Mỹ, được công bố vào đầu tháng 11/2023, có thể tạo ra một đợt bán tháo trái phiếu mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi đạt đỉnh vào tháng 10 năm nay, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm bắt đầu biến động ngược chiều.

Xu hướng này một phần xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn gia tăng do lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng. Một phần khác là nhờ những số liệu lạc quan của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng với động thái giữ nguyên lãi suất tháng thứ ba liên tiếp của Fed vừa được công bố sau cuộc họp ngày 13/12.

Một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà chiến lược trái phiếu của hãng tin Reuters (Anh) dự báo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ giảm trong năm tới, phản ánh niềm tin về tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng như sự đảo ngược chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed gần như chắc chắn sẽ xảy ra vào năm 2024.

Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế tại công ty môi giới tài chính Charles Schwab, kỷ nguyên của lãi suất chính sách bằng 0 và nới lỏng định lượng đã hoàn toàn kết thúc.

Việc thị trường trái phiếu trở lại trạng thái "bình thường" có nghĩa là lãi suất thực tế sẽ ở mức dương ổn định, khi các ngân hàng trung ương thận trọng nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay.

Tiếp tục những xu hướng đã được quan sát thấy trong tháng 11/2023 và nửa đầu tháng 12/2023, lợi suất trái phiếu chính phủ trung và dài hạn sẽ giảm đi đáng kể trong thời gian tới. Nhưng không gian dành cho thị trường trái phiếu ngắn hạn vẫn đang mở ra, đặc biệt là trong bối cảnh không chắc chắn vào năm 2024.

Do đó, các nhà đầu tư có thể chuẩn bị cho những bất ngờ trong diễn biến thị trường và lựa chọn đặt cược vào trái phiếu kỳ hạn ngắn thay vì đầu tư vào trái phiếu dài hạn.

Diệu Linh