|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhìn lại năm 2021, ông chủ Thế Giới Di Động thừa nhận: Trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này

14:00 | 30/01/2022
Chia sẻ
"Những khó khăn xuất hiện chồng chất trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát cực mạnh. Bên cạnh đó còn có những nỗi sợ, sợ mất tính mạng, sợ mang virus lây lan cho mọi người", lãnh đạo Thế Giới Di Động chia sẻ.

Năm 2021 đã đi qua, để lại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng những biến động lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí là chưa từng có, và một trong số đó là là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG).

Vừa qua, trên Fanpage truyền thông nội bộ chính thức của MWG là Life at MWG đã đăng tải một đoạn video ngắn tổng hợp về hành trình của ông lớn trong ngành bán lẻ này trong suốt năm 2021.

Thế Giới Di Động năm 2021: Từ đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng, nguy cơ sụt giảm doanh thu trong mùa dịch cho tới kết quả kinh doanh ấn tượng quý IV, ra mắt 5 chuỗi mới  - Ảnh 1.

Thế Giới Di Động đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2021. (Ảnh: Hồng Phúc).

Những khó khăn chưa từng có

Ngay từ đầu video, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã khẳng định: "2021 là một năm rất đặc biệt". Ngay sau đó, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của MWG cũng khẳng định rằng năm 2021 là một năm khó khăn, nhiều thách thức, cuộc sống đảo lộn và có nhiều bài toán mà MWG cần phải giải.

Riêng ông Quách Vĩnh Nam, Giám đốc bán hàng toàn quốc AM/RSM và ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO TGDĐ và ĐMX cho biết: "Có những tháng doanh thu công ty giảm sâu, thậm chí tác động mà đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2021 còn nặng nề hơn năm 2020".

Thậm chí, theo ông Đoàn Trung Hiếu, Tổng giám đốc CTCP Tận Tâm, một đơn vị thuộc MWG, 2021 là năm đầu tiên mà cá nhân ông chứng kiến sự khó khăn lớn như vậy.

Theo doanh nghiệp, sau Tết Âm lịch, MWG đã bước vào mùa bán hàng mới với kỳ vọng về đà phục hồi. Tuy nhiên, trong khi niềm tin đang dâng lên thì điều không mong muốn đã đến. Các biến chủng mới của đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến Việt Nam rơi vào làn sóng bùng dịch lần thứ 4, qua đó lại có những đợt giãn cách xã hội diện rộng, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.

"Trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này, đường phố vắng đìu hiu và không ai dám bước ra đường. Cảnh tượng này giống như cả đất nước dừng lại", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.

Trong quãng thời gian mà cả nước đối mặt với thách thức, MWG cũng không nằm ngoài guồng quay khi công ty đã chiến đấu với đại dịch, khó khăn và cả nỗi sợ. 

"Những khó khăn xuất hiện chồng chất trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát cực mạnh. Bên cạnh đó còn có những nỗi sợ, sợ mất tính mạng, sợ mang virus lây lan cho mọi người. Ngoài ra, khi vắc xin chưa được tiêm, số ca nhiễm của nhân viên cũng tăng lên từng ngày. Điều này thật sự gây ra áp lực với chúng tôi", các lãnh đạo MWG chia sẻ.

Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Thùy Dương, nhân viên thu ngân BHX chia sẻ: "Chúng tôi không có chỗ ngủ. Đi thuê phòng trọ thì người ta không cho thuê vì họ bảo rằng chúng tôi tiếp xúc với nhiều người. Chúng tôi phải quay về siêu thị tìm chỗ ngủ".

Trong khoảng thời gian đó, hàng loạt cửa hàng TGDĐ và ĐMX phải đóng cửa ở TP HCM và các vùng lân cận, trong khi BHX và An Khang trở thành chuỗi cung cấp thức ăn, mặt hàng thiết yếu, thuốc men y tế. 

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm MWG đối mặt với sự sụt giảm doanh thu do đóng cửa hàng. Ngay cả việc giao hàng online cũng gặp khó vì các chỉ thị giãn cách xã hội. "Trên 2.000 cửa hàng phải đóng cửa, dòng tiền của công ty sụt giảm. Đặc biệt có những trường hợp kho bị phong tỏa ngay trong đêm", lãnh đạo MWG cho biết.

Vượt qua sóng gió

Thế Giới Di Động năm 2021: Từ đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng, nguy cơ sụt giảm doanh thu trong mùa dịch cho tới kết quả kinh doanh ấn tượng quý IV, ra mắt 5 chuỗi mới  - Ảnh 2.

Sau một năm khó khăn, MWG đã ra mắt 5 chuỗi mới. (Ảnh: MWG).

Theo ông Nông Văn Dũng - Giám đốc bán hàng toàn quốc – AM/RSM BHX, ưu tiên hàng đầu của MWG trong năm vừa qua là làm sao để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, kế đó mới đến nhiệm vụ đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ người dân.

Thời điểm đó, BHX đã tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung. "Với bọn tôi, đây là thời chiến. Thời chiến thì cái gì cũng phải làm", ông Nông Văn Dũng, cho biết. Trong khi đó, anh Lý Tuyết Mai, nhân viên BHX cho biết: "Tôi với một bạn nữ dùng xe máy chạy ra đầu đường chở thịt, cá, và hơn 100 rổ rau về siêu thị. Chúng tôi phải làm như vậy trong khoảng 7 ngày".

Một phương án được MWG thực hiện trong thời điểm đó là chia sẻ nhân sự giữa TGDĐ và ĐMX với BHX nhằm mục đích đảm bảo tiến độ công việc cũng như duy trì thu nhập của nhân viên trong tâm dịch.

Sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, TGDĐ và ĐMX đã tạo ra một kỷ lục mới về bán hàng và số lượng đơn hàng, tạo ra quý IV chưa từng có. "Quý IV có thể bù lại luôn cả những tháng mà chúng tôi phải đóng cửa bởi tình hình dịch bệnh", ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết.

Không dừng ở đó, MWG cũng cho khai trương chuỗi 5 cửa hàng hoàn toàn mới bán các sản phẩm mà trước đây công ty chưa từng bán như trang sức, đồ thể thao, quần áo, đồ cho mẹ và bé cũng như xe đạp.

"Lúc mà mọi người đang sợ sệt thì chúng tôi đã bắt tay cho công cuộc hồi phục. Chính nhờ sự chuẩn bị và tầm nhìn xa đã giúp chúng tôi có quý IV/2021 kinh doanh ấn tượng", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.


Quốc Anh

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.