|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn lại một năm lăn lộn ngược xuôi của những ‘hàng hot’ giao dịch cận Tết Mậu Tuất, nhà đầu tư vui hay buồn?

07:00 | 04/02/2019
Chia sẻ
Khi thị trường chứng khoán đón nhận những dấu hiệu tạo đỉnh vào đầu năm 2018, doanh nghiệp nô nức lên sàn hoặc “chuyển nhà” với hi vọng đón nhận diễn biến tích cực lan tỏa và sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, tương lai là điều khó nói trước…

Hàng không cất cánh

“Cơn sóng thần” chứng khoán 2007 của Việt Nam trôi qua đã lâu và phải hơn một thập kỷ sau, giới đầu tư mới một lần nữa được chứng kiến sự bùng nổ trở lại của thị trường này.

VN-Index bắt đầu xuất hiện những nhịp tăng điểm đều đặn từ đầu năm 2016 và tháng 3/2018, chỉ số chính thức vượt đỉnh lịch sử 11 năm với mức 1.172,3 điểm. Đáng chú ý, trước thời điểm này, không ít doanh nghiệp đã kịp “khăn gói” lên sẵn lộ trình niêm yết để đón chờ sự thăng hoa cùng thị trường.

nhin lai mot nam lan lon nguoc xuoi cua nhung hang hot giao dich can tet mau tuat nha dau tu vui hay buon
Diễn biến VNI-Index trong một năm qua. Nguồn: VNDirect

Mở màn là CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs – Mã: AST) chính thức niêm yết hơn 36 triệu cổ phiếu trên HOSE từ ngày 4/1/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 45.000 đồng/cp và tăng trần ấn tượng trong phiên với mức 54.000 đồng/cp.

AST tiếp tục duy trì đà tăng và đạt đỉnh hơn 83.000 đồng/cp vào giữa tháng 3/2018, gần thời điểm VN-Index bứt phá.

Cổ phiếu giằng co một tháng sau đó, trước khi rơi xuống mức thấp nhất khoảng 52.000 đồng/cp vào tháng 5, cùng thời điểm lao dốc của VN-Index. Tuy nhiên, AST tiếp tục đi ngang sau đó và trong một tháng gần đây, cổ phiếu của Taseco Airs loanh quanh ở mức giá 62.000 đồng/cp, tăng 37% so với mức niêm yết. Trong đà lao dốc chung, phải thừa nhận rằng AST vẫn khá thành công khi đi ngược thị trường.

Taseco Airs được tách ra từ mảng dịch vụ phi hàng không của Taseco Thăng Long để tở thành Công ty Cổ phần từ tháng 9/2015. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán lẻ tại sân bay (không miễn thuế) và quản lí khách sạn. Song song, Taseco Airs còn có một công ty liên kết chuyên cung cấp suất ăn hàng không tại sân bay Nội Bài và Cam Ranh là CTCP Dịch vụ suất ăn Hàng không Việt Nam (Vinacs).

Hiện tại, CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long vẫn là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 23,1 triệu cổ phần AST (tỉ lệ 64,17% vốn điều lệ). Mới đây, quỹ ngoại PENM IV Germany GMBH & CO.KG đã mua vào hơn 2,1 triệu cổ phiếu AST, nâng khối lượng nắm giữ lên hơn 5,79 triệu cp (16,09% vốn).

Quý IV/2018, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng 25% lên 223 tỉ đồng, lãi sau thuế tăng 11% lên 42,2 tỉ đồng. Theo giải trình, Taseco Airs cho biết lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, một số quầy hàng tại sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng, Nội Bài hoạt động ổn định. Đồng thời trong quý IV, Công ty TNHH Hàng miễn thuế Jalux trở thành công ty liên kết của Taseco. Do đó, công ty đã ghi nhận thêm 5,2 tỉ đồng vào lợi nhuận trong quý IV.

Cổ phiếu ‘hot’ về lại vạch xuất phát

Nhà đầu tư không cần đợi quá lâu, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng chào sàn vào ngày 5/1, chỉ 24h sau khi AST giao dịch. Đây cũng là ngân hàng thứ 8 được niêm yết trên HOSE vào thời điểm đó.

Với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 33.000 đồng/cp, HDB nhanh chóng tăng kịch trần và trở thành hiện tượng hiếm có khi quy mô trong ngày giao dịch đầu tiên vượt 1.230 tỉ đồng, chiếm gần 14% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Trước đó, HDBank cũng ghi nhận đợt IPO quy mô lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam (sau VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) khi chào bán thành công 21,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, mãi tới giữa tháng 4/2018 HDB mới chạm đỉnh 49.102 đồng/cp. Sau đó, cổ phiếu tiếp đà lao dốc cùng VN-Index và gần đây được giao dịch quanh ngưỡng 30.000 đồng/cp. Không vững vàng như AST, HDB trở về trước vạch xuất phát sau hơn một năm ròng rã ngược xuôi cùng thị trường.

Năm 2018, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 4.005 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm 2017. Kế hoạch 2019 ngân hàng dự kiến lợi nhuận hơn 5.000 tỉ đồng.

nhin lai mot nam lan lon nguoc xuoi cua nhung hang hot giao dich can tet mau tuat nha dau tu vui hay buon
Diễn biến cổ phiếu GEX và HDB một năm qua.

Ngoài ra, phải kể đến hơn 266 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt nam (Gelex) chính thức niêm yết ngày 18/1 trên HOSE với mức giá tham chiếu 25.100 đồng/cp. Tính đến nay, Gelex đã tăng lượng cổ phiếu lưu hành lên hơn 406 triệu cp nhưng mức giá giao dịch đã giảm gần 13% so với thời điểm niêm yết.

Năm 2018, Gelex đạt hơn 13.699 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 12,5% so với năm trước, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.534 tỉ đồng, tăng trưởng 25% và mới hoàn thành 84% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Gelex hiện có 4 công ty con bao gồm Gelex Electrics, Gelex Energy, Gelex Logistics và Gelex Land hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, logistics và bất động sản.

Ảm đạm trên UPCoM

Đầu năm 2018, UPCoM cũng sẽ đón thêm khá nhiều tân binh mới. Thời điểm đó, hơn 9,2 triệu cổ phiếu EMS của Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu Điện được thông báo giao dịch vào ngày 5/1. Với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 31.000 đồng/cp, quy mô vốn hoá của EMS ở mức 284 tỉ đồng. Hiện nay, thị giá của EMS tăng nhẹ lên 38.000 đồng/cp nhưng thanh khoản trung bình 10 phiên chỉ loanh quanh khoảng 1.800 đơn vị. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sở hữu 84,13% vốn điều lệ công ty.

Cùng ngày, hơn 58 triệu cổ phiếu VIW của Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam – CTCP (Viwaseen) cũng giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 10.500 đồng/cp. Tuy nhiên, VIW hiện mất gần 30% giá trị khi trượt về mức 7.400 đồng/cp. Bộ Xây dựng hiện nắm giữ đến 98,16% vốn điều lệ.

Ở diễn biến ngược lại, cổ phiếu AVC của CTCP Thủy điện A Vương tăng hơn 30% so với mức giá phiên giao dịch đầu tiên (24.000 đồng/cp) nhưng thanh khoản trung bình 10 phiên chưa đạt 900 đơn vị. Công ty quản lý các dự án gồm Thủy điện A Vương, Thủy điện Sông Bung 3A, 4A, Thủy điện Dăk Pring 2.

Một trường hợp khác ghi nhận thanh khoản “mất hút” phải kể đến M10 của Tổng công ty May 10 – CTCP. Từ mức giá tham chiếu 22.800 đồng/cp, hiện M10 được giao dịch quanh mức 19.100 đồng/cp và gần như không có thanh khoản, cổ phiếu liên tục đi ngang.

May 10 tiền thân là công xưởng sản xuất quân trang tại chiến khu Việt Bắc, ra đời từ năm 1946 để phục vụ bộ đội kháng chiến chống Pháp. Tháng 1/2004, Tổng công ty May 10 chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, trực thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam. Hiện tại May 10 đang sở hữu 11 nhà máy trải dọc từ Hà Nội tới Quảng Bình. Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện nắm giữ 33,82% vốn điều lệ công ty.

Xem thêm

Nhật Huyền