Một tuần trước Tết Đinh Hợi, nhà đầu tư ‘sắm sửa’ gì cho danh mục?
VN-Index kết thúc năm Âm lịch Mậu Tuất bằng một tuần giao dịch khá ảm đạm với hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018, VN-Index giảm 0,21 điểm so với cuối tuần trước, xuống 908,67 điểm; HNX-Index tăng 0,6 điểm lên 103,34 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức thấp với chỉ khoảng gần 3.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 4,2% lên 13.943 tỷ đồng nhưng khối lượng giao dịch giảm 2,7% xuống 650 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 11,9% xuống 1.491 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 14,2% xuống 115 triệu cổ phiếu.
Tâm lý nghỉ Tết sớm của nhà đầu tư vẫn như các năm trước đó khiến thị trường chỉ giằng co và chủ yếu đi ngang.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu TIE (Công ty Cổ phần TIE) tăng mạnh nhất. Ngoài ra, SRC (CTCP Cao su Sao Vàng), TGG (CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang), OPC (CTCP Dược phẩm OPC) cũng giao dịch tích cực trong tuần. Ở diễn biến ngược lại, VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) giảm hơn 18%, AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD) cũng giảm 10%.
Trên sàn HNX, cổ phiếu KSK (CTCP Khoáng sản Luyện kim màu) tăng 50% nhưng GLT (CTCP Kỹ thuật điện Toàn Cầu) dẫn đầu đà giảm với gần 27%. Tại UPCoM, HLA (CTCP Hữu Liên Á) tăng 100% nhưng PTT (CTCP Vận tải Dầu khí Đông Dương) giảm 60%.
PMI tháng 1 đạt 51,9 điểm
Theo báo cáo mới của Nikkei, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 1/2018 chỉ ở mức vừa phải. Tốc độ tăng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tiếp tục chậm lại so với mức cao mới đây được ghi nhận trong tháng 11 năm ngoái.
Kết quả chỉ số đã giảm từ mức 53,8 của tháng 12 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, chỉ số tiếp tục duy trì trên mức 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện liên tục trong 38 tháng qua. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng nhẹ hơn trong tháng 1.
Đáng chú ý, trong cả hai trường hợp, tăng trưởng vẫn còn mạnh khi các báo cáo cho thấy nhu cầu khách hàng cải thiện. Sản lượng đến nay đã tăng trong suốt 14 tháng qua. Cùng với mức tăng của tổng số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ yếu hơn so với tháng 12.
Giá cả đầu vào đã tăng sau khi giảm lần đầu trong gần ba năm trong tháng trước, nhưng tốc độ tăng nhẹ và kém hơn hẳn mức trung bình của lịch sử chỉ số. Các nhà sản xuất tiếp tục tuyển thêm nhân viên trước tình trạng tăng số lượng đơn đặt hàng mới, từ đó kéo dài thời kỳ tăng việc làm hiện nay thành 34 tháng.
Năng lực bổ sung này đã giúp các công ty giải quyết lượng công việc chưa thực hiện khi tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại. Lượng công việc tồn đọng đã giảm lần đầu tiên trong ba tháng. Hàng tồn kho cũng tiếp tục tăng trong tháng 1.
Mức tăng lượng hàng mua đã được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh của hoạt động mua hàng hóa đầu vào, đù đây là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Dữ liệu cho thấy vẫn có những vấn đề trong lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên giai đoạn tăng trưởng vẫn còn tiếp tục.