|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Heo đất siêu khủng' của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán

07:02 | 04/02/2019
Chia sẻ
Người ta nói tiền như máu của doanh nghiệp, danh sách dưới đây của chúng tôi thống kê những doanh nghiệp với lượng tiền mặt dồi dào, thu lợi hàng trăm thậm chí hơn nghìn tỉ đồng một năm và là nguồn lực để phát triển các dự án tham vọng trong tương lai...
heo dat sieu khung cua cac doanh nghiep tren san chung khoan
Tiền được ví như 'máu' của doanh nghiệp

"Heo đất" rủng rỉnh của các doanh nghiệp trong năm 2018

Thống kê dựa trên hai tiêu chí: giá trị tiền mặt, tiền gửi và tỉ lệ tiền trên tổng tài sản, chúng tôi đưa ra danh sách các doanh nghiệp có “tính thanh khoản” cao nhất trên thị trường chứng khoán tại thời điểm kết thúc năm 2018.

heo dat sieu khung cua cac doanh nghiep tren san chung khoan
BM tổng hợp

Như thường lệ, Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã: GAS) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) là hai cái tên thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng về tiền mặt. Kết thúc năm 2018, GAS sở hữu 28.308 tỉ đồng tiền, ACV xếp thứ hai với 24.368 tỉ đồng. Tỉ lệ tiền mặt trên tổng tài sản của hai doanh nghiệp này đều ở mức 45%.

GAS và ACV hiện là những doanh nghiệp đầu ngành, nếu như GAS (con cưng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) thống trị trong lĩnh vực kinh doanh khí, thì ACV lại là “ông chủ” của hệ thống cảng hàng không với 8 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa. Năm vừa rồi, lợi nhuận sau thuế của GAS tăng 25% do hưởng lợi từ giá dầu; lợi nhuận của ACV thậm chí tăng 51% do ngành hàng không và du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Câu lạc bộ những doanh nghiệp có lượng tiền mặt trên 10.000 tỉ còn có sự góp mặt của ba cái tên “khủng” khác gồm: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) 14.936 tỉ đồng, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) 12.032 tỉ đồng và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) 10.254 tỉ đồng. Cả ba doanh nghiệp này đều đang chiếm thị phần số một trong lĩnh vực kinh doanh của mình: xăng dầu, bia và sữa.

Tiệm cận câu lạc bộ 10.000 tỉ có hai cái tên Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (Veam – Mã: VEA) 9.992 tỉ đồng và CTCP FPT (Mã: FPT) 9.494 tỉ đồng.

Có doanh nghiệp tiền mặt chiếm 89% tổng tài sản

Như đã nói ở trên, thống kê của chúng tôi sẽ không chỉ gồm các doanh nghiệp nắm trong tay hàng hàng nghìn tỉ đồng tiền, một số doanh nghiệp tuy lượng tiền mặt chưa đến 1.000 tỉ đồng, nhưng trong cơ cấu tài sản, tiền lại chiếm tỉ trọng chủ đạo.

CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online – Mã: FOC) là một cái tên như vậy, kết thúc năm 2018, FOC sở hữu 978 tỉ đồng là tiền, đáng chú ý tỉ lệ tiền mặt trên tổng tài sản cao “ngất ngưởng” lên tới 89%.

FPT Online là doanh nghiệp vận hành trang báo điện tử VnExpress, với biên lợi nhuận gộp hiếm khi nào dưới 80%. Hiệu quả hoạt động cao khiến cho doanh nghiệp này luôn có lượng tiền mặt dồi dào, giữ kỷ lục trong các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

heo dat sieu khung cua cac doanh nghiep tren san chung khoan
BM tổng hợp

Nói về tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản, khá bất ngờ khi Sabeco nắm giữ vị trí số hai với 54%, năm 2018 đánh dấu thương hiệu bia này chính thức về dưới dự quản lý của người Thái. Giá vốn và thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao khiến cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này sụt giảm 11% so với năm 2017.

Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp có lượng tiền mặt khủng có tỉ lệ tiền mặt trên tổng tài sản từ 26 – 27% trở lên. Một số cái tên như Vinamilk có tỉ lệ 27%, FPT 32%, VEA 38% và CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) 41%...

Cuộc ganh đua của hiệu suất sinh lời "khủng" và "cỗ máy in tiền"

Một nguyên nhân quan trọng để có lượng tiền mặt dồi dào là doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao, như đã nói ở trên FOC luôn sở hữu biên lãi gộp trên 80%; NTC thậm chí có thời điểm đạt con số 96%.

heo dat sieu khung cua cac doanh nghiep tren san chung khoan
BM tổng hợp

GAS, ACV, SAB, VNM, FPT với lợi thế về quy mô, thu về hàng ngàn cho đến chục ngàn tỉ đồng lợi nhuận hàng năm.

Với trường hợp của VEA, ba liên doanh Honda, Toyota và Ford Việt Nam là những “máy in tiền”, năm 2018 Veam nhận về mức lợi nhuận kỷ lục 6.849 tỉ đồng từ các công ty liên doanh liên kết. Chính điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế của Veam đạt 7.130 tỉ đồng, cao hơn cả doanh thu. Xét về hiệu quả kinh doanh, Veam không có gì nổi bật.

Còn tại CTCP Coteccons (Mã: CTD), doanh nghiệp xây lắp số một Việt Nam ít phụ thuộc vào nguồn tiền đi vay mà dựa chủ yếu và tiền tự có và tiền của các nhà đầu tư dự án. Do đó nguồn tiền mặt lớn dù hiệu quả sinh lời trong ngành kinh doanh của Coteccons cũng là không cao.

heo dat sieu khung cua cac doanh nghiep tren san chung khoan
BM tổng hợp

Với lượng tiền dồi dào, các doanh nghiệp nói trên thu lợi không nhỏ từ việc gửi ngân hàng thu lãi. Điều này góp phần đáng kể vào việc gia tăng lợi nhuận, giảm gánh nặng chi phí tài chính khác, đặc biệt trong năm nay là lỗ tỷ giá.

GAS và ACV thu lãi tiền gửi lần lượt 1.444 tỉ đồng và 1.336 tỉ đồng; bộ ba VNM, PLX và SAB thu về trên 600 tỉ đồng trong năm; FPT và VEA thu trên 400 tỉ đồng…

Xem thêm

Bạch Mộc