|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhìn lại 6 đại án kinh tế sắp đưa ra xét xử

15:41 | 02/10/2016
Chia sẻ
Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1 năm 2017.

Cho vay sai quy định 500 tỉ đồng tại OceanBank và thất thoát vốn Nhà nước

Vụ án thứ nhất là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).

nhin lai 6 dai an kinh te sap dua ra xet xu
Bị can Hà Văn Thắm (Ảnh: Internet)

Cơ quan điều tra xác định vào tháng 11/2012, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung đề nghị OceanBank cho vay tiền để thực hiện các dự án của mình. Các dự án của công ty này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Sau khi công ty này đề nghị vay vốn đầu tư, Hà Văn Thắm ký các quyết định cho công ty này vay khoảng 500 tỉ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định. Cho đến nay, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung chưa thanh toán được tiền cho OceanBank theo quy định, có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.

Ngày 24/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với bị can Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với bị can Hà Văn Thắm, bà Nguyễn Minh Thu - nguyên TGĐ của Ocean Bank cũng bị bắt giam với tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi OceanBank được NHNN mua lại giá 0 đồng thì khoản đầu tư 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank, tương đương 20% vốn điều lệ bị "mất trắng". Ngày 21/7/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công An tiếp tục bắt giữ Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ocean Bank; cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Bị can Sơn bị khởi tố và bắt giam với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mở rộng điều tra cơ quan công an còn bắt giữ một số nhân vật khác như Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó TGĐ Ocean Bank về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc Khối khách hàng lớn và Đối tác chiến lược Oceanbank. Nguyễn Văn Thắng bị bắt do tình nghi liên quan đến hành vi vi phạm của bị can Hà Văn Thắm, ngoài ra còn bị bắt để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ án chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng tại VietinBank

Vụ án thứ hai được nhắc đến là vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinBank, Chi nhánh TP.HCM.

nhin lai 6 dai an kinh te sap dua ra xet xu
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng tại VietinBank, chi nhánh TPHCM, ngày 7/1/2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM chấp nhận kháng cáo của 5 đơn vị gồm: Công ty Hưng Yên, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, SBBC, Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc yêu cầu VietinBank bồi thường 1.085 tỷ đồng.

Lý do hợp đồng tiền gửi của họ là hợp đồng hợp pháp, hợp lệ và Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tiền của 5 đơn vị này. HĐXX nhận định VietinBank đã để nhân viên chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 đơn vị nên phải có trách nhiệm bồi thường.

Thiệt hại 90 tỉ đồng tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank

Vụ án thứ 3 là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank.

Trong vụ án này, ông Đỗ Tất Ngọc, cựu Chủ tịch HĐQT Agibank bị cho là đã đồng ý để ông Phạm Ngọc Ngoạn, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Agribank ký hợp đồng kinh tế, chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 20.300 m2 đất tại khu vực Quang Minh với giá 90 tỉ đồng. Trong khi, lô đất này chỉ là đất thuê của nhà nước, theo diện trả tiền hàng năm. Số tiền 90 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.

Đưa, nhận hối lộ tại Vinawaco

Thứ tư là vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco).

Sai phạm xảy ra tại dự án Nạo vét luồng Hòn Gai - Cái Lân. Quá trình đấu thầu, công ty Tân Việt đã kí kết với Ban điều hành các dự án nạo vét phía Bắc hợp đồng trị giá 4,6 tỉ đồng.

nhin lai 6 dai an kinh te sap dua ra xet xu
Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Quỳnh)

Để trúng được gói thầu này, Trịnh Văn Thắng (Giám đốc) và Vũ Thanh Huyền (Chủ tịch HĐQT) đã thỏa thuận sẽ “cắt” 50% giá trị hợp đồng để hối lộ cho Phạm Đình Hòa (cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường) và Hồ Thành Nghĩa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án nạo vét phía Bắc) tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Hòa và Nghĩa bị truy tố tội "Nhận hối lộ"

Công ty Tân Việt đã gian dối về vị trí đổ chất thải cũng như cự ly vận chuyển chất thải từ công trình đến địa điểm tập kết. Qua đó, đơn vị thi công này đã “ăn không” hơn 7,8 tỷ đồng của Nhà nước. Huyền và Thắng cùng bị truy tố về các tội "Đưa hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Liên quan đến hành vi trên, một loạt các cán bộ thuộc Tổ tư vấn giám sát (Ban Quản lý dự án hàng hải II, Cục Hàng hải Việt Nam) cũng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xơ thẩm ngày 28/7/2016, HĐXX đã trả lại hồ sơ điều tra bổ sung vụ án do các bị cáo không có luật sư tham gia ở giai đoạn điều tra và lời khai của bị cáo Hòa trong lúc thẩm vấn bất nhất với cáo trạng.

Lập công ty chiếm đoạt hơn 66 tỉ đồng tại Bắc Ninh

Thứ tư, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.

Vợ chồng Doãn Ngọc Giang - Kiều Thị Thanh Hương thành lập CTCP dệt Quế Võ và CTCP dệt may xuất khẩu Chương Dương. Hương thuê cháu ruột của Giang là Nguyễn Việt Hoàng làm giám đốc, thuê một người lái xe thuê là Nguyễn Quốc Hùng làm phó Giám đốc, bản thân Hương cũng là Phó Giám đốc Công ty dệt Quế Võ phụ trách tài chính.

Trong quá trình hoạt động, Giang và Hương đã chỉ đạo lập khống hợp đồng ủy thác và làm giả bộ chứng từ nhập khẩu máy móc thiết bị ngành dệt may nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay vốn tại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh, nay là Sở giao dịch 1, Ngân hàng phát triển Việt Nam. Các đối tượng đã được Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh giải ngân 45 tỉ đồng, số tiền này các bị can sử dụng vào mục đích cá nhân. Tính cả gốc và lãi vay, số tiền chiếm đoạt lên tới 66 tỷ đồng. Vợ chồng Giang - Hương bị truy tố tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Liên quan đến vụ án này, 4 bị can khác bị khởi tố gồm Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc Cổ phần dệt Quế Võ; Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần dệt may xuất khẩu Chương Dương; Nguyễn Thế Thư, nguyên Giám đốc Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh và Nguyễn Thế Tài, cán bộ ngân hàng An Bình hội sở phía Bắc về các tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tham ô tài sản, rửa tiền tại Vinashin Lines

Cuối cùng là vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashin Lines).

Kết luận điều tra xác định, từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, Vinashin Lines đã tiến hành lập các dự án đầu tư mua tàu biển, sau đó khai thác kinh doanh cho thuê tàu. Các tàu mua về phần lớn là tàu cũ, chất lượng không đảm bảo, tiêu hao nhiên liệu lớn. Trong quá trình mua và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, một số người đã dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt số lượng lớn tiền, tài sản của Công ty.

nhin lai 6 dai an kinh te sap dua ra xet xu
Giang Kim Đạt và ảnh chụp hồ sơ vụ án (Ảnh: Internet)

Cụ thể, trong việc giao dịch mua tàu, cho thuê các con tàu, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và các đồng phạm khác đã chiếm đoạt tiền chênh lệch trong việc mua 3 con tàu gồm Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và chiếm đoạt tiền chênh lệch gửi giá cước trong việc khai thác, kinh doanh, cho thuê 9 con tàu tại Vinashin Lines.

Đến nay, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã xác định, Giang Kim Đạt được các công ty nước ngoài gửi cho số tiền là gần 16 triệu USD, thông qua tài khoản do Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Văn Đạt) đứng tên và rút tiền.

Khổng Chiêm (tổng hợp)