Các đại án tập đoàn kinh tế - ngân hàng: Hệ quả tất yếu của việc nhân bản hàng loạt
[Infographic] Dấu ấn các đại án ngân hàng 2017 |
Nhân bản hàng loạt, thời khắc tất yếu phải đến và hệ lụy
Do không theo quá trình tạo lập tự nhiên nên những thực thể bất thường được nhân bản vô tính sẽ có thời gian tồn tại không lâu. Ảnh: Internet |
Để trả lời câu hỏi này, trước hết cũng cần biết các tập đoàn hiện nay đang sở hữu những đặc tính “gen” gì nổi trội nhất. Hiểu được đặc tính gen dị biệt nhất của tập đoàn tất sẽ tự vỡ ra những khiếm khuyết và thời khắc tất yếu phải đến. Ngay khi có chủ trương thành lập tập đoàn năm 2005, trên một tờ báo, người viết bài này đã dùng hình ảnh ẩn dụ chú cừu Dolly lúc đó để cảnh báo hệ lụy về việc hàng loạt những thực thể bất thường đang được nhân bản vô tính. Do không theo quá trình tạo lập tự nhiên nên những thực thể này sẽ có thời gian tồn tại không lâu.
Một thực thể được tạo lập bằng mệnh lệnh hành chính cao độ với mong muốn cho ra đời hàng loạt quả đấm thép, nhưng cũng chính vì thế mà tồn tại quá nhiều dị bệnh bẩm sinh. Đã vậy, lực lượng này còn thâu tóm hầu hết nguồn lực quốc gia, chinh chiến từ trong nước ra đến nước ngoài với thất bại hầu như đã được dự báo. Thất bại thấy trước này còn đến nhanh hơn khi các tập đoàn lại được phép hình thành các ngân hàng và công ty tài chính thế hệ mới. Hệ thống ngân hàng thế hệ mới này chẳng những hủy hoại các nền tảng của ổn định kinh tế vĩ mô mà còn để lại những đại án ngân hàng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều nguy hiểm nhất. Rủi ro lớn nhất là các tập đoàn như được trao thêm một quyền lực siêu nhiên khi được phép thực hiện các nhiệm vụ chính trị, dù đã có những khuyên can của các chuyên gia và tổ chức quốc tế lúc đó. Những thất bại của các tập đoàn vì thế trong thời gian dài luôn bị lấp liếm bởi những lý do mờ ảo về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Cái giá phải trả cho những hoạt động yếu kém và tình trạng tham nhũng của các tập đoàn và hệ thống ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế trong dài hạn là như thế nào? Chắc chắn chúng lớn hơn nhiều lần các con số tính bằng đơn vị tỉ đô la Mỹ cho mỗi quyết định sai lầm từ lãnh đạo các tập đoàn và các cấp bên trên. Nền kinh tế phát triển với nhiều méo mó, nợ quốc gia tăng nhanh, động lực cạnh tranh bị triệt tiêu, kỷ cương phép nước bị xem thường, các nhóm tư bản thân hữu hình thành từ sân sau của các tập đoàn là những hệ lụy khác của căn bệnh duy ý chí. Những thiệt hại này chẳng những không thể đo lường hết mà còn không biết đến bao giờ mới chỉnh sửa xong.
Tập đoàn phải tập đi, tập đứng trở lại từ đầu
Định chế nào không được hình thành từ một quá trình phát triển hợp nhất, sáp nhập, mua lại một cách tự nhiên thì về bản chất vẫn đang tồn tại gen bị lỗi hệ thống.
Một cấu trúc với nhiều khiếm khuyết, nhưng tại sao cả hệ thống không có ai sớm phát hiện và ngăn chặn? Cần phải tìm ra cho bằng được lời giải đúng đắn nhất cho câu hỏi quan trọng này. Bởi vì với đặc điểm thể chế hiện nay, không loại trừ trong tương lai sẽ còn không ít những trường hợp các định chế mới sẽ được cho ra đời chỉ bằng các quyết định hành chính mới, để chỉnh sửa các sai lầm từ các quyết định hành chính cũ.
Khi nói rằng các tập đoàn ra đời trái với tự nhiên, ngoài những tập đoàn như dầu khí, cao su và các đại án ngân hàng đang được xét xử, thật phước đức nếu như phần lớn sai sót của các tập đoàn còn lại không có vấn đề gì nghiêm trọng. Không khó để thấy đâu đó vẫn còn những thái độ tô hồng công lao của các tập đoàn. Nhưng liệu các con số báo cáo thành quả của các tập đoàn thực đến mức nào?
Nhân bản tập đoàn bằng ý chí, bằng việc sắp xếp cơ học ít thấy nơi nào trên thế giới, tất nhiên ngoại trừ một vài nơi người ta nghĩ ra nó, nhưng chỉ với mục đích chính là thực hiện các nhiệm vụ địa chính trị. Có lẽ sắp tới đây, nếu muốn, chúng ta cũng chỉ hình thành duy nhất một tập đoàn dạng này. Còn lại tất cả cần phải tái cấu trúc toàn bộ sao cho không còn bất kỳ dấu vết gì để lại từ khiếm khuyết bẩm sinh. Tất cả phải làm lại từ đầu giống như một đứa trẻ tập đi, tập đứng cho giống người bình thường. Bước đầu sẽ được thực hiện bằng việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp cho đến chế độ giải trình trách nhiệm từ các cấp cao nhất.
Nếu không làm được điều tối thiểu này, có khả năng những đại án tương tự sẽ được lặp lại. Nếu thực sự như thế, điều đó có nghĩa là những công việc đã tiến hành trong quá khứ và hiện tại, tuy có chút hứng khởi nhưng cũng chỉ là vá víu các gen bị lỗi. Càng chữa trị, bệnh tình càng thêm trầm trọng khi không ai dũng cảm nhận chân gốc rễ vấn đề.
Điều cuối cùng, nếu như các tập đoàn được cấu trúc lại nhưng các bộ, ngành và thể chế vẫn không có bước đột phá trong cải cách thì nguy cơ về một sự đổ vỡ lớn vẫn còn đó. Không phải cứ có bộ máy thanh, kiểm tra hùng mạnh thì tập đoàn tự động sẽ hoạt động hiệu quả và không dám tham nhũng. Chỉ có cơ chế thị trường và minh bạch mọi thứ ra ánh sáng mới chỉnh sửa được các khuyết tật của tập đoàn. Các bộ ngành liệu có sẵn sàng từ bỏ vai trò chủ quản đối với các tập đoàn? Liệu phương án một siêu ủy ban dự kiến ra đời vào năm 2018 để quản lý khối tài sản lên đến 100 tỉ đô la Mỹ của các tập đoàn có phải là một giải pháp tối ưu? Về trực giác, việc gom tất cả tập đoàn về một đầu mối có vẻ là điều không thể khác hơn. Tuy nhiên thực tế có thể khác xa hoàn toàn với dự tính.
E rằng khó thể có một bộ óc siêu việt nào có khả năng thiết kế một cơ chế quản trị bao trùm toàn bộ hoạt động của siêu ủy ban như vậy. Như đã đề cập ở phần trên, định chế nào không được hình thành từ một quá trình phát triển hợp nhất, sáp nhập, mua lại một cách tự nhiên thì về bản chất vẫn đang tồn tại gen bị lỗi hệ thống. Nếu thực sự có một siêu ủy ban quản lý khối tài sản lên đến 100 tỉ đô la Mỹ, kỳ vọng cũng cần phải có cơ chế minh bạch gấp 100 lần và bộ máy thông minh cũng gấp 100 lần hơn bình thường - một điều khó lòng khả thi.