|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam năm 2020

08:04 | 27/01/2020
Chia sẻ
Giới chuyên môn dự báo, năm 2020 với nhiều yếu tố thuận lợi cùng các giải pháp của nhà quản lí thực hiện, thị trường ô tô sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, có thể tăng trưởng từ 10-20%.
Nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - Ảnh 1.

Công nhân lắp ráp xe tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng ngày 4/12. Ảnh: Bloomberg

Khép lại năm 2019 thị trường ô tô Việt Nam thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với gần 417.000 xe được bàn giao đến tay khách hàng cả nước. 

Giới chuyên môn dự báo, năm 2020 với nhiều yếu tố thuận lợi cùng các giải pháp của nhà quản lý thực hiện, thị trường ô tô sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, có thể tăng trưởng từ 10-20%.

Thị trường ô tô thiết lập kỷ lục mới

Thị trường ô tô năm 2019 đã đi qua với dấu ấn nổi bật khi có tổng doanh số bán được 416.890 xe thông qua các báo cáo chính thức. Đây là con số thiết lập kỷ lục về doanh số bán hàng trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Cụ thể, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, kết thúc năm 2019, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 320.322 xe các loại, tăng 12% so với năm 2018. 

Trong khi đó, TC Motor (Hyundai Thành Công) – đơn vị không phải là thành viên của VAMA có doanh số bán 79.568 xe, tăng 25% so với năm 2018.

Chưa hết, sau hơn một năm mở bán, đầu năm 2020 VinFast bất ngờ tiết lộ doanh số bán hàng cả năm 2019 với 17.000 xe ô tô. 

Như vậy, chỉ tính riêng số liệu bán hàng của 3 đơn vị này là VAMA, TC Motor và VinFast công bố, doanh số bán hàng cả năm 2019 đã đạt tổng cộng 416.890 xe các loại, thiết lập doanh số bán hàng kỷ lục trong ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, doanh số trên vẫn chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có khoảng 10 đơn vị như Audi, Jaguar, Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Ssangyong, Volkswagen, Volvo, Porsche, Maserati... không phải là đơn vị thành viên hoặc là đơn vị thành viên VAMA  nhưng vì lý do nào đó, các đơn vị này không tiết lộ doanh số bán hàng hoặc tạm dừng gửi báo cáo bán hàng cho VAMA.

Cùng với doanh số bán hàng trên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự thay đổi lớn trong năm 2019. 

Không chỉ là sự xuất hiện của thương hiệu Việt như VinFast mà còn là việc các “ông lớn” trong ngành như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), TC Motor (Hyundai Thành Công) đã và đang thu hẹp việc nhập khẩu xe về phân phối để tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, lắp ráp xe trong nước và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa với mục tiêu xuất khẩu ngược sang nhiều thị trường khác nhau.

Trong các doanh nghiệp trên, Thaco đã khánh thành nhà máy Thaco KIA nâng cấp, mở rộng theo hướng tự động hoá, quản trị theo hướng số hóa, sản xuất theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng. 

Đồng thời, nâng công suất sản xuất từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TC Motor cũng không còn phân phối xe du lịch nhập khẩu mà tập trung vào lắp ráp trong nước và đã ra mắt nhiều sản phẩm mới với giá rẻ hơn nhập khẩu. Bên cạnh đó, chuẩn bị mở rộng và xây dựng nhà máy ô tô thứ 2 tại Ninh Bình.

Việc sở hữu 2 nhà máy quy mô lớn sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu trở thành hãng xe số 1 tại Việt Nam cũng như là một trong những thương hiệu xe dẫn đầu Đông Nam Á của TC Motor…

Thêm điểm nhấn năm 2019 là VinFast – “em út” trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã khánh thành và đưa vào hoạt Nhà máy ô tô vào tháng 6/2019, chỉ sau 21 tháng khởi công xây dựng, lập nên kỳ tích về tiến độ mà ngành công nghiệp ô tô lâu năm thế giới chưa từng đạt được. 

Phó Tổng giám đốc Vingroup Võ Quang Huệ chia sẻ: “Câu chuyện của 21 tháng từ kịch bản, từ chọn lựa công nghệ, thiết kế, xây dựng, thương thảo hợp đồng, đến máy móc đưa vào để nhà máy hoạt động... Tất cả những điều này thực sự đúng là một kỳ tích”.

Song song với kỷ lục về tiến độ triển khai dự án, chỉ sau nửa năm đi vào sản xuất và đưa xe đi kiểm nghiệm ở châu Âu, “tân binh” VinFast cũng lập kỳ tích mới trên thị trường ô tô với trên 17.000 xe ô tô được bàn giao cho khách hàng trong năm 2019…

Doanh số bán xe năm 2020 có thể tăng trưởng 25%

Là người trong cuộc, ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký VAMA cho rằng, thị trường ô tô và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước chuyển mình đầy ấn tượng, thị trường ô tô Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả cung lẫn cầu; doanh nghiệp đã thu hẹp dải sản phẩm nhập khẩu mà thay vào đó là tập trung đầu tư mở rộng sản xuất lắp ráp trong nước…

Với sự phát triển như hiện nay, Việt Nam đang ngày càng tiếp cận gần hơn đến mô hình xã hội hóa ô tô, kéo theo sự gia tăng nhu cầu sở hữu xe hơi riêng của mỗi người dân.

Đồng quan điểm trên, ông Laurent Genet, đại diện Hiệp hội Các nhà Nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có nhiều thay đổi. 

Các chính sách đối với ngành ô tô đã có những dịch chuyển tiến bộ hơn, mang đến những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy sự đầu tư vào các dây chuyền lắp ráp xe cũng như lành mạnh hoá thị trường nhập khẩu.

Nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - Ảnh 2.

Thị trường ô tô cũng dự báo có nhiều yếu tố giúp giảm giá trong năm 2020

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá mạnh cả về lượng và chất trong vài năm gần đây và đã khẳng định được vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước. 

Đặc biệt, một số dòng xe đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…; trong đó, có thể kể đến Thaco đã xuất khẩu 120 xe du lịch Kia Cerato sang Myanmar; xuất khẩu xe bus thương hiệu Thaco Bus sang Philippines, xuất khẩu xe Kia Sedona sang Thái Lan và Myanmar…

Bên cạnh đó, TC Motor cũng đang xây dựng khu sản xuất và lắp ráp xe khách, xe bus, trung tâm nghiên cứu và phát triển, khu công nghiệp hỗ trợ, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN; trong đó thị trường chính sẽ là Philippines...

Ông Đỗ Nam Bình cho rằng, thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây đã có tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng, trung bình 20 - 30%/năm. Dựa trên quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ từ nay đến năm 2025.

Cùng chung quan điểm, ông Brad Kelly, Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam cũng cho hay, với tốc độ đô thị hóa rất nhanh, cùng với đó là thu nhập bình quân đầu người tăng cao sẽ là những yếu tố quan trọng giúp thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. 

Một khảo sát của Nielsen cho thấy, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 44 triệu dân thuộc vào tầng lớp trung lưu. 

Với những chỉ số tăng trưởng nhưng tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam vẫn còn rất thấp nếu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á…. Vì vậy, đây chính là lý do chính giúp cho thị trường tiếp tục tăng trưởng, thậm chí là bùng nổ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thị trường ô tô cũng dự báo có nhiều yếu tố giúp giảm giá trong năm 2020, có thể kể đến như các doanh nghiệp đã và đang đầu tư mở rộng sản xuất, tăng công suất sản xuất, nguồn cung dồi dào. 

Cơ quan chức năng cũng đang xem xét sửa Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo hướng bỏ kiểm tra chất lượng ô tô theo lô, thay bằng kiểm tra theo mẫu, dự kiến áp dụng từ năm 2020. 

Điều này giúp việc nhập khẩu ô tô thông thoáng hơn, chi phí cho việc nhập khẩu xe sẽ giảm hơn và kéo giá xe nhập khẩu giảm theo.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Chính phủ rất quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp ô tô và tìm kiếm các giải pháp để giải quyết hiệu quả bằng việc sẽ có một số chính sách kích cầu tiêu dùng, khuyến khích tín dụng để tiêu dùng sản phẩm ô tô; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí để thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. 

Để từ đó, tạo thuận lợi và khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước vào chương trình ưu đãi nhằm thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp xe trong nước duy trì sự tăng trưởng trước sức ép cạnh tranh gay gắt của xe nhập khẩu.

Là người theo dõi hoạt động của các thương hiệu ô tô cũng như nắm rõ từng diễn biến của thị trường, ông Ninh Hữu Chấn kỳ vọng, doanh số bán xe ô tô năm 2020 có thể sẽ tăng khoảng 25% so với năm 2019. 

Còn dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cùng giới chuyên môn dự báo, thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì được mức tăng trưởng từ 10-20% bởi hiện nay nguồn cung xe khá dồi dào, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tung ra những chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng và thay vào đó là những dòng xe mới để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng xe của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng cao, nhiều người muốn sắm hoặc đổi mới chiếc xe của mình không chỉ để đảm an toàn giao thông khi đi lại mà còn nâng cao giá trị trải nghiệm đối với chiếc xe mình sử dụng hơn.

Văn Xuyên