Nhiều ý kiến trong Chính phủ muốn chọn phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều nay (2.2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, đề án của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội có đưa ra 2 kịch bản.
Một là giữ nguyên như hiện nay (60 tuổi với nam và 55 tuổi đối với nữ). Phương án 2 là xem xét đề nghị Quốc hội tăng tuổi lao động lên với nam là 62 tuổi và nữ 60 tuổi. “Nhiều ý kiến trong Chính phủ muốn chọn phương án 2. Nếu ta không chủ động giải pháp sớm thì sẽ đối mặt nhiều vấn đề như mất cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội hay vấn đề già hoá dân số”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. ẢNH NGỌC THẮNG |
Trước đó, theo phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình) mà Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trình, dự kiến áp dụng từ ngày 1.1.2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Lý do chính của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, theo Bộ này, là nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ này.
"Ví dụ, một nam giới có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội, về hưu ở độ tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng bảo hiểm xã hội. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia bảo hiểm xã hội, mỗi tháng đóng 22% tiền lương, thì người lao động này đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình. Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (hoặc 9 năm); nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu", Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội lý giải trong đề xuất.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, đây là một đề xuất thay đổi chính sách và dự đoán sẽ có tác động lớn đến kinh tế, xã hội và tác động về giới. Vì vậy, khác với dự thảo lần trước, ngoài lý do nêu trên, cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tác động đối với đề xuất chính sách này.