|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều triển vọng với xuất khẩu trái cây Việt Nam - Bài 2: Nâng chất để cạnh tranh

07:39 | 25/12/2017
Chia sẻ
Nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, lấy ngắn nuôi dài, mở rộng thị trường quốc tế cũng như giữ vững thị trường nội địa. Doanh nghiệp đồng hành với người nông dân, hợp tác xã xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trái cây, phục vụ xuất khẩu. 
nhieu trien vong voi xuat khau trai cay viet nam bai 2 nang chat de canh tranh Nhiều triển vọng với xuất khẩu trái cây Việt Nam - Bài 1: Vẫn sản xuất nhỏ lẻ

Giữ vững sân nhà làm bàn đạp

Xuất khẩu trái cây được các chuyên gia nông nghiệp đánh giá là sự bùng nổ đã góp phần làm tăng giá trị trong ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, không vì vậy mà ngành sản xuất, xuất khẩu trái cây bỏ quên một thị trường gần gũi, ít tốn kém chi phí nhất, nơi tiêu thụ tối ưu nhất cho ngành trái cây Việt Nam, đó là thị trường nội địa.

Qua các khảo sát thị trường tiêu dùng, hiện nay, lượng trái cây từ nước ngoài đã tấn công vào thị trường Việt Nam thông qua các Hiệp định thương mại tự do. Điều này đã đặt ra cho ngành sản xuất trái cây trong nước hai vấn đề lớn, đó là làm thế nào để người tiêu dùng trong nước lựa chọn sản phẩm trong nước và sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng cũng như mức ngon, lạ của trái cây nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trên thực tế, việc nhập khẩu các loại trái cây từ các nước đang tăng không phải là trở ngại lớn cho ngành rau, củ, quả trong nước mà đây chính là động lực giúp cho người sản xuất, các doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất tốt hơn trước đây, tuân thủ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn để làm ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài ngay trên sân nhà. Có như vậy, người tiêu dùng trong nước mới được đối xử công bằng với người tiêu dùng thế giới.

Điều đặc biệt quan trọng là để ngành rau, củ, trái cây trong nước đủ sức cạnh tranh và có động lực thúc đẩy phát triển, chính là nông dân tham gia sản xuất phải có tinh thần học hỏi, cầu tiến, biết tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn. Không để xảy ra trường hợp vì “tình nghĩa” là người trong nước nên “giải cứu”, “hỗ trợ tiêu thụ” khi hàng hóa sẵn có mà không ai mua.

Nhiều địa phương quy hoạch sản xuất trái cây đã chú trọng đến các tiêu chuẩn chất lượng cho vườn cây cũng như sản phẩm, để ngoài cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, phục vụ cho người tiêu dùng nước ngoài, thì người tiêu dùng trong nước cũng được trân trọng bằng chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Một minh chứng thực tiễn là các hộ nông dân sản xuất nhãn da bò, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn odor, cây có múi như quýt, cam xoàn, thanh long tại các huyện Lai Vung, Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp cũng đã tự tìm hiểu thông tin, kết hợp với Hội làm vườn Việt Nam học tập cách nâng chất lượng vườn cây và đăng ký tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho vườn cây của mình.

Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, khi Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thì sẽ không còn hàng rào thuế quan. Vì vậy, chỉ còn lại sự cạnh tranh là chất lượng, thì trái cây Việt Nam mới được chính người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn, khi nhu cầu tiêu dùng và sức khỏe của họ được tôn trọng.

Khi chính sân nhà được người tiêu dùng lựa chọn, giữ vững và bảo vệ, người sản xuất mới yên tâm làm ra nhiều sản phẩm ngon, sạch. Bởi, nguồn thu nhập ổn định do chính những người tiêu dùng trong nước mang lại sẽ tạo thêm niềm tin, sự an tâm và động lực để họ cải tiến và nâng chất sản phẩm hướng đến thị trường quốc tế.

nhieu trien vong voi xuat khau trai cay viet nam bai 2 nang chat de canh tranh

Nâng chất để xuất khẩu

Người tiêu dùng thế giới, đặc biệt là người tiêu dùng ở những thị trường khó tính, luôn có những tiêu chuẩn rõ ràng với sản phẩm họ lựa chọn. Do đó, đối với từng sản phẩm được tuyển chọn để xuất khẩu, cũng tùy vào đối tượng khách hàng mà thực hiện quy trình sản xuất.

Theo ông Ưng Thế Lãm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xuất nhập khẩu và Xúc tiến thương mại Toàn Cầu, chỉ riêng với trái thanh long xuất khẩu, yêu cầu của thị trường Mỹ đã khác với thị trường châu Âu. Với cách lựa chọn thực phẩm cỡ nhỏ, người châu Âu ưa chuộng trái thanh long cỡ nhỏ (khoảng dưới 300 gram/trái). Còn người tiêu dùng thị trường Mỹ thì ưa chuộng trái thanh long cỡ lớn (khoảng 500 gram/trái).

Đó chỉ là tiêu chuẩn về kích cỡ, chưa nói đến những chỉ tiêu chất lượng, an toàn kiểm dịch thực vật khắt khe khác. Vì vậy, với mỗi yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp phải tạo ra những vùng nguyên liệu phù hợp và duy trì lâu dài mới có thể tạo lòng tin và uy tín vững chắc với người tiêu dùng.

Năm 2017, những cuộc đàm phán từ cấp Chính phủ đã mở ra nhiều cơ hội cho trái cây Việt Nam. Không chỉ với trái thanh long, nhiều loại trái cây khác như sầu riêng, dừa xiêm xanh, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh… của Việt Nam cũng đã được “chu du” khắp 70 thị trường trên thế giới. Và gần đây nhất là trái vú sữa Việt Nam cũng đã được Mỹ chấp nhận nhập khẩu.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chia sẻ, cuối tháng 12/2017, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trái cây Tiền Giang sẽ chính thức xuất khẩu lô hàng vú sữa Lò Rèn đầu tiên vào thị trường Mỹ. Đây là tin vui để người dân sản xuất vú sữa vực dậy nghề trồng vú sữa Lò Rèn vốn đã bị lụi tàn trong thời gian qua do sản xuất được nhưng khó tiêu thụ. Nhưng để làm được điều này, cả nông dân và các doanh nghiệp phải thực hiện những quy tắc nghiêm ngặt về thủ tục kiểm dịch thực vật và cả quy trình đóng gói.

Rõ ràng, cùng với sự chuyển động ở cấp vi mô của từng doanh nghiệp để có thêm những cái “gật đầu” từ đối tác nhập khẩu với nhiều loại trái cây đặc sản, thành quả từ các cuộc đàm phán ở cấp Chính phủ đang tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trái cây Việt Nam hiện đã đáp ứng được các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng của các nước nhập khẩu "khó tính". Điều này chứng minh rằng, người sản xuất trái cây trong nước cũng đã hiểu được yêu cầu của người tiêu dùng nước ngoài. Có như vậy, họ sẽ hướng đến làm ra sản phẩm đúng tiêu chuẩn để có giữ uy tín chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.

Hồng Nhung