|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều quỹ đầu tư bị thổi bay hết thành quả

07:10 | 22/04/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 10/2022. VN-Index mất hơn 100 điểm chỉ sau 4 phiên giao dịch đã thổi bay thành quả của các quỹ đầu tư có được kể từ đầu năm.

Sau khi được nâng đỡ quanh vùng hỗ trợ 1.245 – 1.250 điểm, VN-Index lao dốc trong tuần qua 15 – 19/4. Chỉ số giảm 4 phiên liên tiếp, ngày nghỉ lễ 10/3 Âm lịch không thể giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn khi dồn dập những thông tin tiêu cực xuất hiện.

Lực bán dồn dập và việc xuất hiện lệnh giải chấp từ các công ty chứng khoán tại những tài khoản sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao đẩy thị trường liên tục mất các mốc hỗ trợ.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên là VN-Index một lần nữa mất mốc 1.200 điểm vào tháng 4, hiện tượng này từng xảy ra vào tháng 4/2008 và tháng 4/2018. Khởi đầu quý II/2022, chứng khoán Việt Nam cũng có cú lao dốc mạnh từ vùng đỉnh quanh 1.500 điểm.

Nhịp điều chỉnh sâu thổi bay hơn 100 điểm lần này xuất phát từ thông tin tiêu cực cả trong và ngoài nước. Về thông tin quốc tế, căng thẳng địa chính trị leo thang ở khu vực Trung Đông giữa Iran và Isarel. Nền kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu chưa thể đáp ứng kỳ vọng của giới đầu tư khi khả năng Fed tiếp tục neo cao lãi suất.

Còn ở trong nước, sức ép tỷ giá tăng cao khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có động thái can thiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng/USD.

Trong ngày hôm nay (22/4), 16.800 lượng vàng SJC cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra đấu thầu nhằm hạ nhiệt cơn sốt vàng kéo dài nhiều tháng qua. Điểm quan tâm là cả hai biện pháp này cùng được triển khai sau rất nhiều năm.

Khi thị trường đang chịu sức ép những thông tin vĩ mô trong và ngoài nước, khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng, góp phần gia tăng áp lực lên thị trường.

Với nội khối, điểm sáng đến từ việc bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng khoảng 2.200 tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE tuần qua. Cộng với đó thông tin nhiều công ty chứng khoán báo lãi khủng trong quý I, gấp nhiều lần cùng kỳ. Song, những thông tin này không đủ để nâng đỡ thị trường khi loạt bluechip đối mặt với lực xả lớn.

 Tỷ suất lợi nhuận của các quỹ đầu tư tính đến ngày 17/4. Nguồn: HL tổng hợp.

Hệ quả từ cú đảo chiều của thị trường, nhiều nhà đầu tư đã bị thổi bay mọi thành quả có được kể từ đầu năm. Tình trạng này không riêng với cá nhân mà còn xảy ra với các “cá mập” với nhiều năm kinh nghiệm. Thống kê sơ bộ tính đến ngày 17/4, phần lớn quỹ ngoại trên thị trường có hiệu suất thấp hơn so với thị trường chung nếu so sánh với mức tăng 5,58% của VN-Index và 7,01% của VN30-Index, thậm chí có hiệu suất âm.

Những quỹ có thể chiến thắng thị trường chung chủ yếu là quỹ mở trong nước như SSI-SCA, VGLF-SSIAM, VinaWealth Equity Opportunity (VEOF), VinaCapital VESAF, DCDS. SSI-SCA đang là quỹ có hiệu suất cao nhất với 13,35%, trở thành tổ chức duy nhất trong nhóm thống kê giữ được tỷ suất hai con số sau nhịp điều chỉnh sâu. Những quỹ nội còn lại có hiệu suất 7 – 9%.

Lý do các quỹ nội vẫn chiến thắng được VN-Index đến từ việc đạt được tỷ suất cao trong 3 tháng nhờ những cổ phiếu tăng mạnh đến từ nhóm ngân hàng, công nghệ, Thêm vào đó là lợi thế quy mô vốn nhỏ (dưới 100 triệu USD) và tâm lý thận trọng khi nhiều nhà quản lý quỹ nội đã đưa tỷ trọng tiền mặt vượt ngưỡng 10% ở thời điểm cuối tháng 3. Điều này giúp các quỹ nội ngược dòng và bảo vệ được phần nào thành quả có được.

Ở trạng thái đối lập, nhiều quỹ ngoại đã mất hết thành quả từ đầu năm, chứng kiến tỷ suất lợi nhuận âm tính đến ngày 17/4. Nếu tính cả phiên giảm sâu ngày 19/4, tình hình có phần tồi tệ hơn.

Hai quỹ có quy mô top đầu thị trường là VEIL và CTBC Vietnam Equity Fund có hiệu suất âm, lần lượt là -3,75% và -0,81%. Cả hai quỹ này đều do Dragon Capital quản lý. Xét về tài sản ròng, VEIL vẫn là quỹ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng ở trạng thái hiệu suất âm còn có hai quỹ ngoại là LionGlobal Vietnam Fund và LionGlobal Vietnam Fund, lần lượt là -0,31% và -1,79%.

Trong đợt điều chỉnh sâu lần này, Pyn Elite Fund thoát khỏi trạng thái tiêu cực và rơi xuống vị trí cuối bảng xếp hạng là nhờ việc phân bổ một phần khoản đầu tư vào cổ phiếu của DNSE. Mã này chưa niêm yết và giao dịch trên thị trường khiến NAV của quỹ Pyn không bị tác động mạnh.

Cũng giống như Pyn, việc VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) phân bổ một phần tài sản vào cổ phần tư nhân và các chứng khoán khác ngoài cổ phiếu niêm yết giúp quỹ vẫn duy trì được hiệu suất dương dù tình hình cũng không mấy khả quan hơn.

Những cái tên còn lại mặc dù không thể chiến thắng được VN-Index nhưng vẫn giữ được một phần nhỏ kết quả từ đầu năm như Vietnam Equity (UCITS) (VEF), Vietnam Holding, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund, Lumen Vietnam Fund.

Hoàng Linh