Margin tại các công ty chứng khoán lớn đang ra sao thời điểm cuối quý I/2024?
Thống kê báo cáo tài chính quý I/2024 của các đơn vị cho thấy tổng giá trị cho vay ký quỹ (margin) cửa 10 công ty chứng khoán lớn nhất tiếp tục tăng trưởng. Tổng dư nợ tại ngày 31/3 là 119.421 tỷ đồng, tăng 12.119 tỷ đồng so với quý cuối năm ngoái.
Con số trên là giá trị cao nhất trong lịch sử thị trường, vượt qua mức đỉnh 113.533 tỷ đồng ghi nhận tại 10 công ty chứng khoán lớn ở thời điểm cuối quý I/2022. Việc so sánh hai thời điểm có sự cách biệt đáng kể về mặt điểm số nhưng lại tương đồng về quy mô thanh khoản.
Song, thống kê giá trị margin tại 10 đơn vị lên mức đỉnh hoàn toàn không hàm ý rằng tình trạng “căng” margin đang diễn ra bởi quy mô vốn chủ sở hữu của một số công ty chứng khoán lớn đã được tăng cường sau hai năm, nới rộng dư địa cho vay nhà đầu tư.
Tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi, thanh khoản dồi dào, số đông công ty chứng khoán tăng cường margin bằng việc thúc đẩy với nhiều chương trình ưu đãi lãi vay. Lãi suất margin cũng là công cụ cạnh tranh được sử dụng triệt để hơn khi chính sách miễn phí giao dịch (zerofee) đã phủ khắp thị trường.
Ghi nhận trong quý đầu năm nay, 3/4 số công ty chứng khoán có dư nợ cho vay đạt trên 3.000 tỷ đồng có mức tăng trưởng hai con số. Còn trong top 10, Chứng khoán VPBank (VPBankS) dẫn đầu với tỷ lệ tăng dư nợ cho vay đạt 25,66%, đạt 8.909 tỷ đồng. Đây là mức đỉnh mới về margin của VPBankS.
Tuy nhiên, với quy mô vốn chủ sở hữu trên 16.000 tỷ đồng, công ty chứng khoán của VPBank còn nhiều không gian để cho thấy tăng cường hoạt động cho vay ký quỹ trên thị trường khi quy định hiện hành cho phép hạn mức margin gấp hai lần quy mô vốn chủ sở hữu.
Một công ty chứng khoán khác thuộc hệ sinh thái ngân hàng là Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tiếp tục dẫn đầu về quy mô cho vay với dư nợ gần 19.100 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024, cao hơn 17,37% so với thời điểm cuối năm ngoái. Mặc dù đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của TCBS, quy mô này vẫn thấp hơn nhiều mức kỷ lục 22.746 tỷ đồng của Chứng khoán SSI công bố cuối năm 2021.
Cùng trong nhóm ngân hàng, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đẩy mạnh cho vay margin khi thị trường sôi động với mức tăng trưởng hai con số như VCBS (20,91%, đạt 5.805 tỷ đồng), ACB (19,95%, 5.488 tỷ đồng).
Khiêm tốn hơn nhiều đơn vị khác, Chứng khoán MB (MBS) tăng margin 8,85%, lên 9.274 tỷ đồng. Việc hạn chế về tỷ lệ tăng trưởng margin do MBS sắp tới ngưỡng tối đa về vốn theo quy định. Tình trạng này buộc MBS phải thực hiện nâng quy mô vốn chủ thời gian tới.
Ở nhóm công ty chứng khoán tư nhân, Chứng khoán SSI tiếp tục đứng hai hai về quy mô dư nợ với 16.957 tỷ đồng, tăng 15,58% so với cuối tháng 12/2023. Chứng khoán HSC giải ngân thêm gần 2.100 tỷ đồng để cho vay ký quỹ, nâng tổng dư nợ lên 14.200 tỷ đồng, con số này bao gồm cả tiền nhà đầu tư ứng trước trong khi các đơn vị khác chỉ thống kê cho dư nợ cho vay.
VPS và VNDirect là hai công ty đi ngược xu hướng, gần như không tăng trưởng dư nợ margin trong quý I. Chứng khoán VNDirect có dư nợ cho vay đạt 9.958 tỷ đồng tại ngày 31/3.
Trong tuần cuối tháng 3, việc VNDirect bị hacker quốc tế tấn công khiến phải ngừng giao dịch một tuần đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động margin của công ty.
Ở nhóm công ty chứng ngoái nước ngoài, Mirae Asset (Việt Nam) có dự nợ margin đạt 13.786 tỷ đồng tại ngày 31/3, tăng 2,9% so với đầu năm. Trong khi đó, KIS Việt Nam và KB Việt Nam báo cáo tỷ lệ tăng trưởng lần lượt 16,95% và 13,23%. Mức tăng trưởng của hai đơn vị trên tương đồng với số đông công ty chứng khoán lớn trên thị trường.
Dù vậy, so với nhóm các công ty chứng khoán nội, các đối thủ ngoại dường như không còn giữ được sức ảnh hưởng lớn như giai đoạn trước đó. Nhiều chương trình ưu đãi được các tổ chức đến từ Hàn Quốc đưa ra nhưng tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn về margin và việc để mất thị phần môi giới phần nào minh chứng cho nhận định trên.