Nhiều ngành hàng tỷ USD giảm tốc, xuất khẩu cuối năm dự báo 'hạ nhiệt'
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang dần chậm lại
Khác với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6 tháng đầu năm, trong tháng 7, xuất khẩu đã giảm tốc. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu trong tháng 7 giảm 7,7% so với tháng trước, đạt 30,3 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức giảm tương ứng 7,4% và 7,2%.
Đây cũng là tháng thứ hai, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm, trước đó, trong tháng 6 đã giảm hơn 9% so với tháng 5. Và trong nhóm hàng này, giảm nhiều nhất là phân bón, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu tỷ USD nhưng dệt may cũng đang trong xu hướng suy giảm trong nửa còn lại của năm 2022.
Chia sẻ với người viết, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, kiêm Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP HCM, cho biết cũng giống như tình hình xuất khẩu chung của cả nước, 6 tháng đầu năm ngành dệt may tăng trưởng khá tốt nhưng bước sang quý III đã chững lại.
"Ba thị trường lớn của ngành dệt may là Mỹ, Nhật, châu Âu đều có dấu hiệu sụt giảm sức mua, khiến tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp cũng sụt giảm theo. Cộng thêm áp lực chí phí đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp phải tính toán căn cơ hơn".
Với ngành gỗ, việc sụt giảm đơn hàng đã và đang xảy ra chứ không còn là dự báo hay cảnh báo. Thông tin tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay trong cuộc khảo sát mới đây, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ thừa nhận mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm.
Đặc biệt, khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, 42/52 doanh nghiệp, tương đương hơn 80% số lượng khảo sát dự báo doanh thu cả năm 2022 sẽ sụt giảm từ 30% đến trên 50%.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho hay đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn trên thế giới; trong đó có Mỹ, EU… khiến nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiết yếu giảm đi, cùng với việc đồng euro giảm ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà nhập khẩu...là những nguyên nhân khiến xuất khẩu có xu hướng giảm.
"Qua khảo sát của các hiệp hội gỗ, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp giảm 40-50%. Điều này khiến doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất hoặc cho công nhân xen ca thì mới có thể duy trì sản xuất", ông Liêm chia sẻ.
Hay với xuất khẩu thủy sản, ngành hàng cũng ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Sau nhiều tháng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 chững lại, giảm 4% so với tháng 6, chỉ đạt mức 970 triệu USD.
VNEconomy dẫn lời bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết xuất khẩu giảm tốc là do tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 5 vừa qua. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III.
Chịu nhiều áp lực, dự báo xuất khẩu tiếp tục hạ nhiệt trong những tháng cuối năm
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 216,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so với năm 2021.
Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Từ đó, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
"Hy vọng tăng trưởng đơn hàng vào các tháng cuối năm gần như không có. Bởi thông thường đơn hàng cho mùa lễ, tết cuối năm sẽ được ký kết trong tháng 5, tháng 6, từ tháng 7 sẽ bắt đầu sản xuất nhưng hiện nay không có sẽ đồng nghĩa cuối năm cũng không có đơn hàng để tăng sản xuất", ông Nguyễn Liêm cho hay.
Cùng chung nhận định này, các công ty chứng khoán đã lần lượt đưa ra nhiều phân tích cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022.
Cụ thể, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam những tháng tới sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chậm lại, do nhu cầu tại các thị trường lớn giảm sút.
Cụ thể, 43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến từ máy móc thiết bị, linh kiện điện tử đóng góp chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI. Trong khi đó tổng công ty lớn như Samsung (chiếm 50% tỷ trọng đóng góp giá trị xuất khẩu hàng điện từ của khối này) lại đang thu hẹp sản xuất, cắt giảm số ngày làm việc của công nhân từ 5 ngày/tuần xuống 3 ngày/tuần và khuyến khích các kỳ nghỉ cho công nhân tại nhà máy Việt Nam.
Một lo ngại nữa đó là đà tăng giá của mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản, gạo, thép,… có thể sẽ chững lại hoặc đảo chiều trong thời gian tới khi nguồn cung dồi dào.
Bên cạnh đó, theo KBSV, việc đồng VND tăng giá so với các đồng tiền của đối tác thương mại (do neo theo USD), khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giảm tính cạnh tranh.
Còn theo các chuyên gia của CTCP Chứng khoán VNDirect, nguyên nhân khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm lại không chỉ là nhu cầu của thế giới giảm tốc mà còn do việc đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn trong nửa cuối năm 2022", VN Direct dự báo.
Trong đó, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến, giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây thêm lo ngại về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Điều đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, như trường hợp của Samsung, đã phải điều chỉnh kế hoạch sản lượng trong năm nay.
Do đó, VN Dircet dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và đạt 14% cho cả năm 2022.
Không những vậy, với lo ngại về lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính vẫn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cảnh báo đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ hai liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/