|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong quý III

15:05 | 06/12/2022
Chia sẻ
Chuyên gia bày tỏ quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm giảm triển vọng của ngân hàng.

Ngân hàng giảm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp

Kết thúc quý III/2022, nhiều ngân hàng cho biết đã giảm dần tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhằm thêm dư địa cho vay, chuyển dịch sang loại hình cho vay khác.

Trong nhóm ngân hàng Big 4, BIDV và Vietcombank là hai ngân hàng ghi nhận giảm giá trị TPDN nắm giữ sau 9 tháng đầu năm. Tính đến cuối quý III, BIDV nắm giữ 12.748 tỷ đồng chứng khoán nợ, giảm 10% so với đầu năm, còn Vietcombank cũng giảm từ 11.929 tỷ đồng xuống 11.254 tỷ đồng sau khi kết thúc quý III.

 

Nhiều ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận giảm giá trị danh mục trái phiếu doanh nghiệp. Danh mục TPDN của MB, ngân hàng có quy mô danh mục TPDN lớn nhất hệ thống hiện nay, đã ghi nhận giảm nhẹ trong quý III nhưng vẫn tăng 16% so với đầu năm, theo số liệu của Chứng khoán KB (KBSV).

Xu hướng giảm đã bắt đầu trong quý II (giảm 662 tỷ đồng còn khoảng 49.000 tỷ đồng) tuy nhiên ngân hàng cho biết chủ yếu do trái phiếu đến hạn.

Trong bối cảnh NHNN "room" tín dụng hạn chế, Techcombank đã phải giảm mạnh giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp từ 76.800 tỷ cuối quý I xuống còn 49.300 tỷ cuối quý II và tiếp tục giảm xuống còn 43.500 tỷ cuối quý III để có hạn mức tín dụng giải ngân cho vay khách hàng.

 

Tín dụng của ngân hàng dịch chuyển từ trái phiếu doanh nghiệp sang cho vay mua nhà. Hiện80% dư nợ khách hàng tại Tecchombank là vay mua nhà.

 Nguồn: Techcombank.

HDBank cho biết tới cuối quý III, giá trị danh mục trái phiếu doanh nghiệp sở hữu giảm 46,6% kể từ đầu năm trong khi cho vay khách hàng ghi nhận tăng trưởng 28,7%. 

Tính đến 30/9/2022, HDBank đang nắm giữ khoảng 5.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chiếm 2,2% tổng dư nợ tín dụng và 1% tổng tài sản), theo báo cáo của Chứng khoán KB (KBSV). Trong đó, tất cả trái phiếu đang nắm giữ đều có tài sản đảm bảo và tổ chức phát hành thanh toán lãi đầy đủ.

 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục trầm lắng?

Theo thống kê của VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 đạt mức 60.635 tỷ đồng, giảm 50,5% so với quý trước, giảm mạnh 70,9% so với cùng kỳ.

Trong quý III, có 42 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 59.032 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm mạnh 51,7% so với quý trước, và giảm 71,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý đều là các ngân hàng, bao gồm BIDV (6.867 tỷ đồng), OCB (6.600 tỷ đồng) và VietinBank (4.210 tỷ đồng).

Ngày 16/9, Chính phủ ban hành Nghị định 65 với những quy định chặt chẽ hơn ở nhà đầu tư trái phiếu, doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng như các bên liên quan khác. Lãi suất huy động của ngân hàng cũng tăng lên cạnh tranh với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trái phiếu trước một số sự kiện trên thị trường trái phiếu trong thời gian gần đây.

Do đó, theo BVSC, chuyên gia bày tỏ quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm giảm triển vọng của ngân hàng.

"Điều này có thể làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn để tái cơ cấu trái phiếu đến hạn. Cùng với đó NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, lãi suất tăng cao và thị trường bất động sản cũng đang gặp khó khăn có thể sẽ có tác động làm suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng," chuyên gia BVSC nhận định.

Vì vậy,  các thành viên thị trường (doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp tư vấn và nhà đầu tư) cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với những quy định mới. VNDIrect dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh NHNN tiếp tục nâng lãi suất điều hành và nhiều thông tin bất lợi trên thị trường, lợi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã đồng loạt quay đầu giảm giá trong thời gian qua do gia tăng cả lãi suất tham chiếu lẫn phần bù rủi ro. Do đó, FiinRatings dự báo danh mục trái phiếu của một số ngân hàng tiếp tục ghi nhận lỗ chưa thực hiện trong quý tới.

“Rủi ro tín dụng trong hệ thống sẽ có sự phân hóa rõ rệt, ít ảnh hưởng tới các ngân hàng có quy mô nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhỏ so với tổng tài sản có sinh lãi, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp đa dạng và được thẩm định rủi ro kỹ lưỡng. Đây cũng không phải một vấn đề lớn nếu ngân hàng có trích lập dự phòng giảm giá đầy đủ”, Fiin Ratings nhận định.

Huyen Vi