Chuyên gia MSVN: 'Ngân hàng cần trở thành kênh cung cấp thanh khoản trước mắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp'
Chia sẻ tại Toạ đàm "Chọn danh mục: Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking (MSVN) cho hay, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang phải đối mặt với hai vấn đề nội tại: Thanh khoản và chi phí vốn.
Sự biến động trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khiến thanh khoản trên thị trường này và cả nền kinh tế bị siết lại rất chặt. Minh chứng rõ nét là việc lãi suất trên thị trường TPDN tăng đến 25% bình quân, hoặc có loại trái phiếu lãi suất tăng đến 30-40%. Đó là biểu hiện của sự gián đoạn về thanh khoản.
Khi thanh khoản bị gián đoạn, chi phí vốn của doanh nghiệp tất nhiên sẽ bị đẩy cao. Trong nền kinh tế, thanh khoản đến từ thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và tín dụng. Khi thị trường trái phiếu bị gián đoạn còn thị trường cổ phiếu chưa phải là một kênh dẫn vốn quan trọng thì doanh nghiệp chủ yếu dựa vào tín dụng.
"Việc nới room hay yêu cầu ngân hàng thương mại (NHTM) sử dụng phần room còn lại là cần thiết nhưng để tiền thực sự bơm vào nền kinh tế thì các cơ quan quản lý cần điều chỉnh chỉ số vận hành để các ngân hàng thương mại biết được triển vọng tăng trưởng và bơm vốn ra", ông Thành nói.
Với các doanh nghiệp, họ đang tự cơ cấu lại bằng các biện pháp: Bán sản phẩm, bán tài sản và ngồi lại với nhà đầu tư để tái cơ cấu nợ, để giải quyết vấn đề thanh khoản trước mắt.
Chuyên gia từ MSVN cũng đề xuất, ngân hàng phải là chủ thể vực dậy thị trường trái phiếu. Trong Nghị định 65 có quy định, doanh nghiệp được phép phát hành TPDN để tái cơ cấu nợ, nhưng trong Nghị định 16 ngành ngân hàng lại quy định các NHTM không được phép mua TPDN cho mục tiêu tái cơ cấu nợ. Điều này dẫn đến sự lệch pha trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, việc NHTM không được mua trái phiếu của các doanh nghiệp có nợ xấu tại hệ thống ngân hàng trong vòng 12 tháng cũng hạn chế ngân hàng tham gia vào thị trường TPDN.
Khi phát hành trái phiếu có những doanh nghiệp hạng A nhưng cũng có doanh nghiệp hạng B, C đặc biệt là trong giai đoạn này, doanh nghiệp khó khăn về thanh khoản, giống như giai đoạn COVID-19 vừa rồi ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp cả tốt hay không tốt.
Vì vậy, nếu như ngân hàng đánh giá doanh nghiệp có khả năng kinh doanh tốt và chỉ đang gặp khó khăn tạm thời thì nên để các NHTM chủ động đánh giá việc có nên mua trái phiếu của doanh nghiệp đó hay không, ông Thành nêu vấn đề.
Với kênh thứ hai là các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trái phiếu, ông Thành cho rằng, trong vòng 6-9 tháng tới, thị trường trái phiếu có lẽ chưa thể phục hồi lại như bình thường.
"Phải mất từ một đến 1,5 năm, nguồn vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ mới có thể quay trở lại thị trường như trước do họ đã mất niềm tin", ông Thành dự báo.
Kênh thứ ba là các quỹ trái phiếu, các quỹ này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề về niềm tin trên thị trường. Xu hướng chạy khỏi TPDN của các nhà đầu tư khiến tài sản của quỹ này giảm tới 36% trong vòng một tháng.
Ông Thành nhận định, trong năm tới, các NHTM sẽ đóng vai trò cung cấp thanh khoản cho thị trường, trong đó bao gồm cả thị trường TPDN. Ngân hàng Nhà nước nên giữ mức tăng trưởng tín dụng ít nhất là 14% và thậm chí có thể tăng lên 16% khi dòng vốn từ TPDN vẫn chưa thể phục hồi.
Thứ hai là cần điều chỉnh các quy định về việc cho ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Khi các kênh vốn của thị trường TPDN đang trong giai đoạn xây dựng lại thì cần để ngân hàng tham gia nhiều hơn và trở thành kênh cung cấp thanh khoản trước mắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo lập thị trường tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ thanh khoản, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, giai đoạn đoạn gần đây, yếu tố thanh khoản rất khó khăn, không chỉ doanh nghiệp mà cả với các ngân hàng, thị trường liên ngân hàng thanh khoản cũng rất căng thẳng.
Một yếu tố quan trọng nữa là niềm tin, tiền trong hệ thống không phải quá thiếu hụt nhưng vấn đề khủng hoảng niềm tin gây khó khăn đối với thị trường. Làm thế nào để giải quyết vấn đề niềm tin của thị trường tài chính để khơi thông thanh khoản cho thị trường, ông Duy Anh nhìn nhận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/