Nhiều ngân hàng lớn tham gia cấp hàng nghìn tỉ đồng vốn cho các dự án BOT
Tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng quí III/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã trả lời báo chí một số câu hỏi liên quan đến cho vay các dự án BOT, BT giao thông.
Phó Thống đốc khẳng định quán triệt chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có các dự án BOT. Tuy nhiên phải tính toán làm sao để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng như các chỉ số an toàn của ngân hàng thương mại, hệ số an toàn vốn (CAR)…
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: SBV)
Thời gian vừa qua, việc huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước, trong khi dư nợ vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao.
Theo đánh giá của NHNN, các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay lớn. Việc cho vay các dự án này gây áp lực lớn cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn, do nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.
"Hiện tổng dư nợ và cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Nguồn cung tín dụng còn khó khăn hơn khi theo qui định của NHNN, tỉ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm còn 40% từ ngày 1/1/2018. Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc làm rõ các chính sách liên quan đến các dự án BOT, BT để hạn chế rủi ro.
Chia sẻ thêm về dự án BOT đang nhận được sự quan tâm nhiều của người dân hiện nay là dự án Trung Lương – Mỹ Thuận ở phía Nam (dự án đã 10 năm vướng mắc và đội vốn từ 9.000 tỉ đồng lên hơn 12.000 tỉ đồng), ông Tú cho biết sẽ có 4 ngân hàng tham gia tài trợ vốn cho dự án.
Cụ thể, VietinBank là ngân hàng cấp vốn nhiều nhất với 3.400 tỉ đồng; Agribank góp 1.000 tỉ đồng; BIDV góp 1.500 và VPBank góp 1.280 tỉ đồng mới đủ được vốn cho dự án.
Nguồn: Tuổi trẻ
Ông chia sẻ, do những dự án phát triển BOT đều là chiến lược cấp bách nên nhiệm vụ hỗ trợ, cấp vốn là trách nhiệm của ngân hàng mặc dù đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khi ngân hàng tập trung vốn cho những lĩnh vực này thì phải rút vốn ở những lĩnh vực khác, do đó họ cũng phải tìm cách để cân đối vốn và trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp.
Trong những tháng cuối năm 2019, NHNN cho biết sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD ở mức hợp lí để ổn định thị trường tiền tệ, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.