|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy sản 2017

07:08 | 08/10/2020
Chia sẻ
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Kiên Giang Quảng Trọng Thao, quá trình triển khai Luật Thủy sản 2017, khó khăn, vướng mắc cần sớm giải quyết; trong đó có việc cấp giấy phép nuôi biển...

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết quá trình triển khai Luật Thủy sản 2017, khó khăn, vướng mắc cần sớm giải quyết; trong đó có việc cấp giấy phép nuôi biển, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản và cấp mã số đối với các cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực, cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên biển.

Theo quy định hiện nay, cơ sở nuôi biển phải được cấp đồng thời giấy phép nuôi biển và quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, việc cấp quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản chưa thể thực hiện do văn bản hướng dẫn thực hiện của trung ương chưa được ban hành. Vì vậy, khi người dân và doanh nghiệp có nhu cầu xin giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản ngành chức năng tỉnh vướng mắc trong giải quyết, xử lý.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy sản 2017 - Ảnh 1.

Tàu cá trên vùng biển thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hiện Kiên Giang còn hơn 140 hồ sơ của các hộ dân, doanh nghiệp đang xin thủ tục để nuôi trồng thủy sản tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa được giải quyết.

Để có giấy phép nuôi biển, người dân, doanh nghiệp phải qua nhiều cơ quan, tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại. Khi có được giấy phép, muốn sử dụng khu vực biển để đầu tư sản xuất phải làm thêm thủ tục để được cấp quyết định giao khu vực biển, trong khi đó văn bản hướng dẫn về lĩnh vực này chưa được ban hành. Tiếp đến, người nuôi phải thực hiện tiếp tục thủ tục đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi lồng bè gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong nuôi biển.

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, việc làm thủ tục đăng ký xác nhận để được cấp mã số nhận diện đối với các cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, cá tra… và nuôi thủy sản lồng bè là bắt buộc đối với người dân.

Tuy nhiên, Kiên Giang có vùng nuôi tôm-lúa khá lớn, chiếm gần 80% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Tại những vùng này, hầu hết người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, làm vườn…

Mặc dù đã nuôi tôm ổn định trong thời gian dài, vị trí nuôi thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhưng các hộ dân vẫn không được xem xét cấp mã số cơ sở nuôi vì quy định chỉ cấp mã số đối với cơ sở nuôi sử dụng đất đúng mục đích là nuôi trồng thủy sản.

Cùng đó, cơ sở nuôi cá lồng bè trên biển do chưa được cấp quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản nên cũng chưa thực hiện được thủ tục cấp mã số cơ sở nuôi đúng quy định.

Theo ông Thao, đơn vị chức năng ghi nhận 216/398 trường hợp ở các địa phương đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi, còn lại 182 trường hợp không thực hiện được do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phù hợp là nuôi trồng thủy sản, chưa có quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã cấp mã số nhận diện cho 216 cơ sở nuôi gồm 214 cơ sở nuôi tôm sú, tôm chân trắng và 2 cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên biển.

Việc người dân, doanh nghiệp không thể thực hiện các thủ tục đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực, nuôi lồng bè gây khó khăn đối với khâu tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng do không đáp ứng được yêu cầu của thị trường về truy xuất nguồn gốc thông qua việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi.

Lê Huy Hải