Nhiều cơ sở kinh doanh đón lượng khách lớn hơn nhờ bỏ ống hút nhựa
Ống hút tre, ống hút giấy, ông hút bằng gạo...thay thế ống hút nhựa
Các loại ống hút bằng các chất liệu không phải nhựa. Ảnh: Như Huỳnh
Các loại ống hút thay thế ống hút nhựa đang dần phổ biến tại các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP HCM. Chúng được làm từ các chất liệu dễ phân hủy như tre, giấy, inox và cả bột gạo.
Là một trong số các quán cà phê chọn việc sử dụng ống hút thân thiện môi trường thay cho ống hút nhựa, chị Lưu Bích Ngân, chủ quán cà phê trên đường Trần Quang Diệu (quận 3) chia sẻ, từ trước đến nay chị vẫn luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường nên khi mở quán chị đã quyết định chọn sử dụng ống hút tre, giấy thay thế ống hút nhựa.
"Quán của tôi thay thế hoàn toàn ống hút nhựa bằng các loại ống hút thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa chất liệu nhựa không chỉ ống hút mà cả túi, nắp và ly cũng thay thế bằng chất liệu giấy".
Đặc biệt, các cửa hàng, quán cà phê, trà sữa còn có chế độ ưu đãi, khuyến khích người tiêu dùng mang cốc, bình riêng theo để đựng đồ ăn, thức uống. "Mình cũng khuyến khích mang bình, chai theo khi mua mang đi và được giảm giá 5.000 đồng/lần. Mục tiêu của quán là "nói không" với sản phẩm nhựa", Ngân nhấn mạnh.
Ống hút bằng tre tại các quán cà phê, trà sữa. Ảnh: Như Huỳnh
Giá của các loại ống hút thân thiện với môi trường hiện nay khá cao, cao gấp 3 - 4 lần số với ống hút nhựa. Cụ thể, ống hút inox có giá 15.000 - 25.000/cái, tuỳ kích cỡ, nếu mua theo bộ gồm cả cọ rửa ống hút inox giá sẽ giao động từ 45.000 - 60.000 đồng/bộ. Với ống hút tre, giá từ 10.00 0 - 12.000 đồng/cái, ống hút gạo giá 79.000 đồng/kg gồm 260 cái, tương đương hơn 300 đồng/cái; ống hút giấy có giá từ 15.000 - 80.000 đồng/bịch, tuỳ số lượng mỗi bịch và chất lượng….
Dù chi phí bỏ ra để dùng ống hút tre, ống hút giấy cao hơn ống hút nhựa, nhưng chủ các cửa hàng vẫn chấp nhận vì cho rằng đây là một trong những hành động chung tay bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là hành động góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng.
"Mình hưởng lợi nhiều hơn như lượng rác thải ra sẽ ít hơn, khách hàng của quán cũng hứng thú hơn và ủng hộ việc bảo vệ môi trường. Các bạn vừa tạo trào lưu vừa góp phần thay đổi thói quen của nhau để xã hội quan tâm nhiều hơn việc bảo vệ môi trường", chủ quán trà sữa Passengers ở quận 3, TP HCM chia sẻ.
Giới trẻ hưởng ứng mạnh mẽ
Cùng với sự thay đổi của các cửa hàng, giới bạn trẻ TP HCM cũng ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ môi trường bằng cách trở thành "tín đồ" của những quán trà sữa, cà phê áp dụng giải pháp thân thiện với môi trường.
"Lượng khách đến quán nhiều hơn hẳn sau khi thông tin quán bỏ ống hút nhựa lan truyền trên các mạng xã hội về ý tưởng thay thế ống hút nhựa để bảo vệ môi trường", chủ quán trà sữa trên đường Passteur ở quận 1, TP HCM, kể.
Đặc biệt, rất nhiều bạn còn sử dụng bình nước kèm ống hút inox khi mua nước, cà phê, trà sữa... mang đi. Phong trào trà sữa 'không rác thải' - zero waste đang được giới trẻ tại TP HCM ủng hộ mạnh và đua nhau cùng làm để hạn chế sử dụng ống hút, ly nhựa dùng một lần ở các quán trà sữa.
Các bạn trẻ ủng hộ các quán sử dụng ống hút inox, tre, giấy thay thế ống hút nhựa. Ảnh: Như Huỳnh
Trên các mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cũng đua nhau "không dùng ống hút nhựa". Theo đó, mỗi lần thưởng thức nước uống, mọi người đều đăng ảnh khi đang dùng ống hút bằng cỏ, bằng tre, bằng inox hoặc thậm chí không dùng ống hút, để khẳng định họ vẫn đang trong quá trình "thách thức bản thân".
Hồng Hoa, sinh viên trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) kể rằng, khi mới chuyển từ ống hút nhựa qua dùng ống hút nhôm cô cảm thấy khá bất tiện vì ống tương đối nhỏ, nhưng giờ có ống hút tre kích thước đa dạng, cả đồ uống có thạch hay chân trâu cũng không có thể sử dụng.
Bên cạnh đó Hoa cho rằng, hiện nay hầu như tất cả các cửa hàng trà sữa đều sử dụng cốc, ống hút nhựa cho khách dùng tại chỗ và mang đi: "Các cửa hàng kinh doanh và doanh nghiệp nên cập nhật xu hướng bảo vệ môi trường và áp dụng giải pháp thay thế này rộng rãi hơn".
Đồng quan điểm, bạn Mỹ Hà, sinh viên trường đại học Công nghiệp TP HCM, cho biết cô là tín đồ trà sữa nên hầu như ngày nào nhóm bạn cũng ra quán trà sữa uống hoặc mua về. Do đó, bình nước kèm ống hút inox là vật dùng không thể thiếu của cô.
"Đây cũng là món đồ thời trang vì mẫu mã của các bình nước loại này phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc, trang trí bắt mắt, gây thiện cảm cho người dùng", Hà nói.
Bình nước khách hàng mang theo để thay thế các loại ly nhựa. Ảnh: Như Huỳnh
Hiện nay, loại bình kèm ống hút inox có giá giao động trung bình 125.000 - 180.000/cái, nếu có cả giỏ đựng bình giá sẽ từ 250.000 đồng/cái trở lên, tuỳ chất lượng và xuất xứ.
Mặc dù giá của bình kèm ống hút thân thiện với môi trường tuy cao, nhưngmọi người có thể tái sử dụng nhiều lần, vì thế nhiều người cho rằng so với ống hút nhựa, ống hút inox tiện lợi hơn và rẻ hơn nhiều, lại có thể bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, phong trào tặng quà cho bạn, cho đối tác bằng các bình nước kèm ống hút inox hay bộ ống hút inox bắt đầu xuất hiện.
Ý tưởng giảm rác thải nhựa đang trở thành trào lưu của các quán cà phê, trà sữa, thôi thúc nhiều bạn trẻ quan tâm và chia sẻ trên Facebook, Zalo…Nhiều bạn trẻ không chỉ có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống mà còn có nhắc nhở, góp ý nhau để thực hiện tốt hơn.
Các bạn trẻ góp ý nhau về các ý tưởng mới cho việc chung tay giảm chất thải nhựa từ ống hút, ly nhựa trên mạng xã hôi. Ảnh chụp màn hình.
Một thống kê của Hiệp hội Nghiên cứu biển Mỹ thực hiện năm 2018 cho thấy hơn 8,3 tỉ ống hút nhựa đang làm ô nhiễm gần như tất cả các bãi biển trên toàn thế giới. Vì vậy, một số tiểu bang của Mỹ cũng đã có thông báo cấm sử dụng ống hút nhựa từ năm 2020. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có quy định nghiêm khắc đối với ống hút nhựa, cụ thể tại Anh cấm dùng ống hút nhựa tại quán cà phê, quán trà sữa. Hàn Quốc cũng sẽ cấm sử dụng ống hút nhựa hoàn toàn từ năm 2027.
Hạn chế sử dụng ống hút nhựa, thay ống hút nhựa bằng các loại ống hút khác như ống hút tre, ống hút thủy tinh đang ngày càng phổ biến hơn trong giới trẻ ở TP HCM. Đây là một tín hiệu vui về sự thay đổi nhận thức trong một bộ phận giới trẻ Việt, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia thứ 4 trên thế giới có lượng rác thải nhựa ra đại dương chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philppines.