|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều áp lực chi phí với ngành điện

14:41 | 02/12/2018
Chia sẻ
Ngành điện được dự báo gặp khó khăn trong cung ứng điện những năm tới khi lượng nước về các hồ thủy điện có thể không bảo đảm, trong khi nguồn than cho điện cũng đang gặp những vướng mắc. 
nhieu ap luc chi phi voi nganh dien
Các đơn vị bán và mua than phục vụ cho nhiệt điện cần phải ký hợp đồng dài hạn.

Chia sẻ tại buổi họp báo công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 chiều 30/11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, trong khi nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các nguồn điện cung ứng thì việc giá than tăng 5% chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện trong thời gian tới.

Ông Tuấn nêu rõ, nếu như năm 2017, nguồn nước dồi dào, thủy điện vẫn hành tốt thì năm 2018, lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mọi năm và dự kiến năm 2019 sẽ là năm khô hạn. Như vậy, việc huy động các nguồn điện khí, nhiệt điện là rất lớn và điều này tất yếu sẽ tăng chi phí sản xuất điện.

“Một số mỏ khí cũng đang suy giảm khả năng cung cấp và chúng tôi đã phải tính đến sử dụng dầu và than nhiều hơn cho sản xuất điện. Hiện nay, đơn vị đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng như các chủ đầu tư xây dựng các phương án cung cấp nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện để đảm bảo khả năng nguồn cung điện trong năm 2019 không bị thiếu hụt”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông, tổng lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than trong mọi kịch bản đều vượt 116 tỷ kWh, giá điện than chiếm tỷ trọng đáng kể trong sản xuất kinh doanh điện nên việc tăng giá bán than chắc chắn sẽ là áp lực lớn đối với chi phí sản xuất kinh doanh điện. Mặc dù có những căng thẳng về nguồn cung nhiên liệu cho nhiệt điện, thủy điện, song theo tính toán việc cung ứng điện trong năm 2019 có thể vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, tại một số thời điểm căng thẳng về nguồn nhiên liệu sẽ phải huy động thêm nguồn dầu, kéo theo chi phí tăng.

Trước đó, tại cuộc hội thảo ngày 29/11, ông Trần Việt Anh, Trưởng ban Chiến lược – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, hiện nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ dẫn tới có khả năng từ những năm 2020 đến năm 2025 việc thiếu điện sẽ xảy ra.

Hiện công suất nguồn điện cả nước mới chỉ đạt 47.750 MW, với sản lượng điện thương phẩm là 192,1 tỷ kWh. Vậy làm thế nào để trong thời gian 12 năm tới, Việt Nam có thể nâng công suất lên 129.500 MW và sản lượng hơn 570 tỷ kWh là thách thức lớn.

Ông Trần Việt Anh cho biết, thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than, với công suất 7.860 MW đã được khởi công và triển khai xây dựng. Như vậy, còn khoảng 18.000 MW trên tổng số 26.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vận hành trong thời gian tới, nhưng đến nay chưa khởi công xây dựng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện các năm tiếp theo.

Bảo đảm đủ than cho điện

Đại diện của TKV cũng cho biết, khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành này đến năm 2035 tăng không nhiều, đạt từ 42 – 50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than của các hộ tiêu thụ ngày càng cao, vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện, lên tới 128 triệu tấn/năm. Theo tính toán, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu 67 triệu tấn (2025); 98 triệu tấn vào 2030.

Liên quan đến một số nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động thời gian qua gây nên tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, hai nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3 khi đi vào hoạt động sẽ phải cần thêm một sản lượng than nhập khẩu lớn. Theo tính toán, năm 2019 sẽ phải nhập khẩu 10 triệu tấn than để phục vụ cho hai nhà máy này, còn lại là 8 triệu tấn than trong nước.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc TKV đề xuất bày tỏ, TKV luôn nhận thức rất rõ về vai trò trách nhiệm của mình trong việc cung cấp than cho nền kinh tế, đặc biệt là cung ứng than cho điện. Đối với than cung cấp cho sản xuất điện, TKV thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết với các nhà máy điện.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than. Chẳng hạn năm 2017, TKV cung cấp 23,6 triệu tấn than cho điện; năm 2018, than cho điện dự kiến trên 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn.

Trong trường hợp giảm huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than, lượng than tiêu thụ sẽ giảm rất mạnh. Vì vậy, TKV đề xuất, phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư.

Ngoài ra, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những Nhà máy của EVN chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than. Do đó, TKV chưa có cơ sở để cân đối nhu cầu của nhà máy này trong dài hạn để chủ động điều hành sản xuất đảm bảo tăng sản lượng theo yêu cầu. Thời gian tới, hai bên sẽ cần phải thống nhất ký hợp đồng cung cấp than dài hạn để chủ động về nguồn cung cho nhà máy cũng như chủ động việc bố trí sản xuất, đầu tư của TKV.

Đề cập vấn đề này, theo ông Đinh Quang Tri, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị bán và mua than phục vụ cho nhiệt điện cần phải ký hợp đồng dài hạn, EVN cũng đang thực hiện đàm phán. Trên cơ sở đó xây dựng các phương án mua than trong nước cũng như nhập khẩu than để đảm bảo đủ nguồn cung nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện đi vào sản xuất ổn định.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo nguồn cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt, kể cả trong trường hợp phải huy động thêm nguồn dầu” – ông Đinh Quang Tri nhấn mạnh.

Xây dựng phương án điều hành giá điện những năm tới

Với những khó khăn trong nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện, nhiều câu hỏi đặt ra liệu giá điện có tăng trong thời gian tới?. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo Quyết định 24 của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ ban hành kế hoạch cung ứng điện trong năm 2019. Dựa trên kế hoạch đó, sẽ có văn bản chỉ đạo EVN xây dựng phương án điều hành giá điện trong năm tới. Nếu tính toán chi phí tăng 3 - 5%, EVN sẽ được quyền quyết định giá; từ 5 - 10%, Bộ Công thương sẽ thẩm định và báo cáo Ban điều hành giá của Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ quyết định thời điểm tăng.

Theo ông Tuấn, khi xây dựng các phương án giá điện, Bộ Công Thương đều giao cho ngành điện tiến hành kiểm tra, đánh giá những tác động ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống nhân dân, sản xuất của doanh nghiệp cũng như những tác động đến các chỉ số CPI, GDP.

“Chúng tôi phối hợp với Tổng Cục Thống kê tiến hành kiểm tra, đánh gía việc tăng giá điện tác động tới tất cả mọi đối tượng, đặc biệt là các hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như: doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép…” – ông Tuấn nhấn mạnh và cho biết thêm, thời điểm tăng giá không sớm hơn 6 tháng so với lần tăng giá gần nhất (lần tăng giá điện gần đây nhất là tháng 12/2017).

“Thời gian tới, sau khi xây dựng kế hoạch, báo cáo đánh giá, rà soát kiểm tra…, chúng tôi sẽ cân nhắc để chọn thời điểm tăng giá thích hợp” – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay.

Xem thêm

Thanh Hằng