|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhật Bản: Gia tăng lo ngại về các công ty gần phá sản hoặc vỡ nợ

15:02 | 29/01/2022
Chia sẻ
Trong năm ngoái, số doanh nghiệp phá sản tại Nhật Bản là thấp nhất trong 50 năm, nhờ hiệu quả của các biện pháp ứng phó với đại dịch mà chính phủ nước này đã thực hiện nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo về mặt trái của câu chuyện. Các khoản vay không lãi suất và trợ cấp có thể cũng hỗ trợ cả những doanh nghiệp không hoạt động từ trước khi đại dịch bùng phát và có thể nên để cho phá sản.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước chỉ hỗ trợ ở một mức hợp lý trong giai đoạn khủng hoảng, Nhật Bản thường cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, điều được cho là đang duy trì hoạt động cho các công ty 'zombie' (những công ty vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi vỡ nợ hoặc gần phá sản). Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây sức ép giảm giá ngay trong những giai đoạn bình thường.

Nhà kinh tế Shotaro Kugo tại Viện nghiên cứu Daiwa cho rằng Nhật Bản đã tồn tại vấn đề là môi trường lãi suất thấp khiến các công ty 'zombie' gia tăng ngay cả trước đại dịch. Điều này làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng và có thể làm giảm hiệu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhật Bản gần như là quốc gia duy nhất duy trì hoạt động của các công ty 'zombie'. Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào giữa những năm 2010 cho thấy các công ty 'zombie', được định nghĩa là những doanh nghiệp với những khó khăn thường trực trong việc thanh toãn lãi vay, là nguyên nhân khiến tăng trưởng năng suất chậm và tăng trưởng kinh tế yếu ở các nền kinh tế phát triển.

Mặc dù vậy, mức hỗ trợ gần đây của Nhật Bản là ngoại lệ. Kể đỉnh dịch, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã cho vay hơn 95.000 tỷ yen (830 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đủ để thanh toán toàn bộ số nợ của các doanh nghiệp phá sản ở nước này kể từ tháng 6/2002, theo đối chiếu giữa bản quyết toán của BoJ và số liệu về các doanh nghiệp phá sản của Tokyo Shoko Research.

Giáo sư kinh tế Kenichi Ueda tại Đại học Tokyo đã hối thúc chính phủ để các ngân hàng quyết định doanh nghiệp nào sẽ nhận được hỗ trợ đại trà vì như vậy là lãng phí.

Lê Minh