|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhật Bản cân nhắc chi 33 tỷ USD giảm thiểu tác động từ lạm phát

22:25 | 25/10/2023
Chia sẻ
Ba quan chức cho hay Chính phủ Nhật Bản đang xem xét chi khoảng 33 tỷ USD để chi trả cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và cắt giảm thuế thu nhập, như một phần trong gói biện pháp nhằm giảm bớt tác động từ chi phí sinh hoạt tăng cao cho các hộ gia đình.

Khoản chi tiêu ước tính khoảng 5.000 tỷ yen (33,37 tỷ USD) này sẽ bao gồm một khoản cắt giảm thuế thu nhập một lần 30.000 yen/người, cùng cắt giảm thuế cư trú đối với người ngoại quốc khoảng 10.000 yen tương ứng. Kế hoạch này cũng bao gồm các khoản chi trả cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Các quan chức cho biết kế hoạch chi tiêu sẽ được Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida chính thức quyết định vào ngày 2/11. Chi tiết về việc cắt giảm thuế sẽ được hội đồng về thuế thảo luận vào cuối năm nay.

Dự kiến, kế hoạch sẽ được thực hiện vào tháng 6/2024.

Trả lời các phóng viên, Phó Chánh văn phòng Nội các Hideki Murai cho biết nguồn thu từ thuế đã tăng lên trong năm nay và ông Murai cho biết Thủ tướng Kishida muốn tìm cách trả lại một phần số tiền đó cho công chúng để hỗ trợ các hộ gia đình.

Lạm phát - do chi phí nguyên liệu thô tăng cao - đã duy trì trên mức mục tiêu 2% do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra trong hơn một năm qua. Diễn biến này gây áp lực lên hoạt động tiêu dùng và ảnh hưởng tới triển vọng của nền kinh tế vốn đang chậm phục hồi những vết sẹo do COVID-19 gây ra.

Do đà tăng lương tỏ ra quá chậm để bù đắp cho mức tăng giá cả, Thủ tướng Kishida đã công bố kế hoạch trả lại cho các hộ gia đình một phần nguồn thu dự kiến từ thuế nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc tạo ra.

Ông Murai cho biết Thủ tướng Kishida sẽ thảo luận về việc tăng lương cùng các vấn đề khác với các quan chức ngành ô tô khi ông đến thăm Triển lãm Phương tiện Di động Nhật Bản vào ngày 26/10 (giờ địa phương).

H.Thủy (Theo Reuters)

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.