|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thịt heo đông lạnh để tăng sức cạnh tranh trên sân nhà

20:43 | 09/10/2021
Chia sẻ
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh sẽ tiếp tục tăng nhanh do các nước xuất khẩu lớn đang dư thừa về sản lượng, giá thành rẻ hơn so với Việt Nam.

Mới đây, Bloomberg đưa tin Việt Nam đang tiến tới giảm thuế nhập khẩu đối với thịt heo đông lạnh từ 15% xuống còn 10%. Người phát ngôn Bộ NN&PTNT cho biết việc cắt giảm sẽ được công bố trong quý IV.

Trước đó, năm 2020, Việt Nam đã tạm thời giảm thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh của Mỹ xuống 10%. Chính sách này đã thúc đẩy lượng xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2020.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 8 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo đạt hơn 257 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cục dự báo lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh sẽ tiếp tục tăng nhanh do các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Brazil... đang dư thừa về sản lượng, giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất của Việt Nam.

Trao đổi với người viết về việc thịt heo đông lạnh ồ ạt về Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết dịch tả heo châu Phi bùng phát đã tàn phá đàn heo, xảy ra khủng hoảng giá và mất cân đối cung cầu.

Bộ NN&PTNT đã cho nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về từ ngày 12/6/2020 nhưng đến 1/7/2021 đã tạm dừng việc nhập mặt hàng này. Bên cạnh đó, lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh năm 2021 cũng giảm nhiều so với năm 2020.

Nhập khẩu thịt heo đông lạnh để tăng sức cạnh tranh trên sân nhà  - Ảnh 1.

Thịt heo đông lạnh tràn ngập trong các siêu thị. (Ảnh: Hoàng Anh)

"Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn nhập khẩu thịt heo đông lạnh phục vụ chế biến vì hiệu quả kinh tế.

Trong cơ chế thị trường, hàng hóa lưu thông là chuyện bình thường. Lúc thừa vẫn nhập, lúc thiếu vẫn xuất, lượng thịt heo nhập khẩu chỉ chiếm 4 – 5% tổng lượng thịt của cả nước. Do đó, việc này không ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước", ông Trọng nói.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng trong điều kiện bình thường, người dân có thu nhập ổn định, sản lượng 6,2 triệu tấn thịt heo năm 2021 cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến tình trạng thừa cục bộ ở một số địa phương, trong thời gian ngắn. Lượng heo giai đoạn trước dồn giai đoạn sau kéo theo một loạt hệ lụy cho ngành chăn nuôi.

"Hiện nay giá heo tại Trung Quốc chỉ dao động khoảng 35.000 đồng/kg, ngang với giá heo của Việt Nam.

Do đó, chúng ta phải xác định cạnh tranh ngay trên sân nhà. Với gần 100 triệu dân, khoảng 20 triệu khách du lịch, vấn đề cần làm là tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý", ông Trọng nói.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam đã vào WTO và hội nhập mở rộng, việc trao đổi thương mại là điều bình thường. Tuy nhiên, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Thú y cân nhắc hạn chế nhập khẩu thịt heo để đảm bảo sản xuất trong nước có hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Hoàng Anh