|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhanh như giá điện!

18:38 | 29/06/2020
Chia sẻ
Rất nhiều khách hàng coi việc tăng đột biến hóa đơn điện sinh hoạt là một bước lùi về tính minh bạch của EVN.
Nhanh như giá điện! - Ảnh 1.

Chị Đỗ Hà đã phải trả hóa đơn điện tháng 6/2020 cao gấp 3 lần tháng 5 và gấp 2,5 lần so với hồi tháng 4 cho Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, Hà Nội. Việc này khiến chị trở thành một trong hơn 7,22 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thiếu cơ chế giải quyết 

EVN trong những năm gần đây đã chịu nhiều chỉ trích khi người dân giận dữ với các hóa đơn điện tăng vọt, nhưng theo quan sát của Tiến sĩ Bùi Huy Phùng, chuyên gia năng lượng: “Năm nay tình hình và mức độ cao hơn”. 

Hai nguyên nhân làm cho hóa đơn điện tăng cao những tháng gần đây là nắng nóng kéo dài trên diện rộng và cách tính biểu giá điện lũy tiến. Nhưng ở đây, sự hợp lí về biểu giá chia bậc và áp giá cho các bậc, ít ai biết rõ.

Tiến sĩ Bùi Huy Phùng, người có hơn 40 năm nghiên cứu về điện lực, nhấn mạnh tính minh bạch trong cơ cấu hình thành giá điện khi Việt Nam đang vận động để được công nhận là một nền kinh tế thị trường. 

Cách thức “làm giá điện” bây giờ đã thay đổi, rất khác so với trước đây khi quyết định dựa trên kết quả phân tích dữ liệu, đánh giá và phản biện của một hội đồng độc lập, bao gồm các nhà quản lí, nhà khoa học, nhà sản xuất và người tiêu dùng điện. 

“Tính giá điện khá phức tạp nhưng không quá khó, quan trọng là số liệu phải rõ ràng và minh bạch”, ông Phùng nói.

Nhanh như giá điện! - Ảnh 2.

Những nỗ lực thuyết phục hóa đơn điện tăng đột biến do nắng nóng đang mất dần ý nghĩa khi EVN thừa nhận tình trạng “ghi sai chỉ số điện” tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh và một số tỉnh khác trên cả nước là thật. Tuy nhiên, động thái đình chỉ công tác một vài cán bộ, nhân viên liên quan đến việc ghi sai chỉ số điện lần này chỉ mang tính xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận, không xử lí được tận gốc tình trạng hóa đơn tăng đột biến.

Điểm tương đồng giữa Việt Nam và Malaysia là duy trì một công ty điện lực độc quyền, song khác biệt là Malaysia có Ủy ban Năng lượng, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

TNB, công ty điện lực vốn nhà nước của Malaysia, năm 2019 đã chịu nhiều chỉ trích khi người dân nổi đóa với các hóa đơn tiền điện tăng vọt vào tháng 5 và tháng 6. Ủy ban Năng lượng của Malaysia đã điều tra TNB, dựa trên khiếu nại của người dân. Cơ quan này đã phạt TNB 3,6 triệu ringgit, tương đương 850.000 USD, do không tuân thủ quy định người dùng nhận hóa đơn tiền điện mỗi tháng một lần.

Cần một thị trường minh bạch hơn

“Đang có lỗ hổng trong quản lí điện và bảo vệ người tiêu dùng”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập, nhận xét. 

Tại Việt Nam, khách hàng không thể mua điện ngoài EVN, đơn vị chủ yếu nắm các phân khúc trong hệ thống điện, đặc biệt là mua buôn, truyền tải và phân phối/bán lẻ. Việc có một cơ chế đủ mạnh để giải quyết dứt điểm tình trạng hóa đơn điện tăng đột biến là cần, nhưng ông Ánh lưu ý “người đứng ra giải quyết không trực tiếp xung đột lợi ích với bên cung cấp điện hay người tiêu dùng”.

Một thực tế là tình trạng hóa đơn điện tăng đột biến sẽ không xảy ra trong một thị trường điện cạnh tranh và minh bạch. 

Singapore đã dành một thập niên từ năm 1998-2008 để hình thành thị trường điện cạnh tranh. Bằng một lộ trình rõ ràng với các bước đi thận trọng và phù hợp, quốc đảo này đã tách bạch các khâu phát điện, truyền tải, vận hành thị trường điện, bán lẻ và phân phối điện từ Temasek, một công ty 100% vốn nhà nước. 

Trên thị trường điện bán lẻ hoàn chỉnh vào tháng 5/2019, đã cho phép 27 đơn vị bán lẻ điện cung cấp điện cho khách hàng. Các quyết định về giá bán lẻ điện trở nên minh bạch và được quyết định do cung cầu thị trường.

Chính phủ Singapore cũng ban hành các chính sách bảo vệ quyền lợi khách hàng, bao gồm việc tham gia vào thị trường điện mở (OEM) là không bắt buộc. Khách hàng không phải đối mặt với sự gián đoạn cung cấp điện khi thay đổi đơn vị bán lẻ điện. Những tranh chấp giữa khách hàng và đơn vị bán lẻ nếu không được hòa giải sẽ được xử lí bởi một tổ chức trung gian.

Việt Nam cũng đang trong quá trình tạo ra một thị trường điện cạnh tranh, nhưng Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nói rằng, “cần xem xét khả năng thực hiện”. 

Theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng, thị trường điện Việt Nam phát triển qua 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh vào năm 2014, bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh vào năm 2017-2021 và bán lẻ điện cạnh tranh sẽ thí điểm vào năm 2021 và hoàn chỉnh sau năm 2023. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai từng cấp độ, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, “đều chậm và không rõ ràng”.

Nhanh như giá điện! - Ảnh 3.

Việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, liên quan chặt chẽ tới nội dung tái cấu trúc EVN và cả ngành điện. Tuy nhiên, việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một cơ quan ngang bộ, vào tháng 11/2018, đã nảy sinh vướng mắc về cơ chế quản lí nhà nước đối với EVN, trong đó có việc triển khai các cấp độ phát triển thị trường điện Việt Nam theo Quyết định 63.

Thời điểm đưa ra thị trường bán lẻ cạnh tranh là rất quan trọng, nhưng đến nay việc thực hiện các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh vẫn chủ yếu trông chờ vào EVN. Điều này có thể dẫn đến xung đột về mặt lợi ích, bởi tập đoàn này không khi nào lại tạo ra đối tượng cạnh tranh với chính mình. 

“Chúng ta đã sai về mặt tư duy, nhưng cơ chế hiện hành không chỉ rõ cơ quan nào quản lí và chịu trách nhiệm về câu chuyện này”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định. 

Trong khi nhu cầu điện tiếp tục tăng nhanh và các khoản đầu tư thực vào các nguồn điện, lưới điện có thể sẽ không đến nếu Việt Nam không đảm bảo được tính minh bạch.

Hải Vân