|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hóa đơn tiền điện ở miền Bắc lại tăng vọt

16:45 | 17/06/2020
Chia sẻ
Nắng nóng kéo dài ở miền Bắc khiến nhiều gia đình nhận hóa đơn tiền điện tháng vừa qua tăng cao. Chuyên gia khuyến cáo nắng nóng sẽ còn tiếp tục trong mùa hè.

Những ngày này, nhiều gia đình bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện của tháng 5 (chốt trong khoảng 15/5 đến 15/6). Điểm chung là hóa đơn tiền điện tháng vừa qua tăng cao so với tháng trước đó. Cùng thời gian này, miền Bắc trải qua đợt nắng nóng lịch sử sau hàng chục năm qua.

Hóa đơn tiền điện tăng gấp 4 lần

Anh Nguyên (quận Hoàn Kiếm), cho biết hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình ở mức gần 760.000 đồng, sau đó, đến tháng 6 tăng lên 1,67 triệu đồng (nghĩa là tăng trên 2 lần).

Tháng 5, gia đình anh Nguyên dùng hết 360 kWh, số tiền điện tính từ bậc 1 đến bậc 5. Trong khi đó, tháng 6, số điện tiêu thụ là 650 kWh. Như vậy, chỉ số công tơ tăng thêm 300 kW, tiền điện tăng hơn 2 lần.

Tương tự, chị Trà My (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết hóa đơn tiền điện cũng tăng lên mức 3 triệu trong tháng vừa qua. Tháng trước đó, gia đình phải trả hóa đơn khoảng 2 triệu đồng, trong khi nhà chỉ có 2 thành viên.

Hóa đơn tiền điện ở miền Bắc lại tăng vọt - Ảnh 1.

Mức tiêu thụ điện tăng gần 4 lần của một khách hàng tại Lào Cai. Ảnh chụp màn hình.

Anh Nguyễn Văn Thanh (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cũng cho biết hóa đơn tiền điện đã tăng vọt trong tháng vừa qua. Trong tháng 5, gia đình dùng hết khoảng 800.000 đồng tiền điện. Đến tháng 6, số tiền phải thanh toán lên mức 1,4 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thu Thúy (Lào Cai) cũng ghi nhận tình trạng hóa đơn điện tăng đột ngột. Vào tháng 5, chị phải chi trả 540.000 đồng tiền điện nhưng sang đến tháng 6, số tiền “nhảy vọt” lên gần 2.100.000 đồng, tương đương tăng gấp gần 4 lần. Chị Thúy cho biết, trong tháng 6 chỉ ở nhà khoảng 20 ngày nên khi nhận hóa đơn điện rất bất ngờ.

Nắng nóng khiến tiền điện tăng cao

Giải thích về tiền điện tăng trong tháng qua, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết chủ yếu là thời tiết nắng nóng, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Theo EVNHANOI, trong tháng 5, Hà Nội chỉ hứng chịu 1 đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày (20 và 21/5). Khi đó, lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh/ngày). Như vậy, mức tiêu thụ bình quân của một hộ gia đình ở Hà Nội tăng khoảng 45% so với tháng 4.

Ngoài ra, từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Doanh nghiệp này nhấn mạnh do hiệu ứng bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C.

Hóa đơn tiền điện ở miền Bắc lại tăng vọt - Ảnh 2.

Thời tiết nắng nóng khiến hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng cao. Ảnh: Huy Hải.

Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. EVNHANOI cho biết đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay ở Hà Nội. Tính đến ngày 12/6, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày tại Hà Nội là 80 triệu kWh, tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.

“Nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, có thể nhận thấy sản lượng điện tiêu thụ ở Hà Nội trong tháng 6 đã tăng rất cao”, một đại điện của EVNHANOI nói.

EVNHANOI nhấn mạnh kì hóa đơn tiền điện tháng 6 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6 (từ 1/6 đến 12/6). Do đó sẽ ảnh hưởng khá lớn đến sản lượng tiêu thụ điện.

“Nếu khách hàng có kì ghi chỉ số từ ngày 16/5 đến ngày 15/6, thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra. Bởi nắng nóng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ - “thủ phạm” chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao”, EVNHANOI cho biết.

Điều hòa khiến tiền điện tăng cao?

Trao đổi với Zing, PGS TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học, Công nghệ Nhiệt - Lạnh (thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) đưa ra một số lí giải về việc dùng điều nhiệt độ khiến tiền điện tăng cao.

Ông dẫn nghiên cứu của Đại học Bách Khoa cho biết điện năng dùng cho điều hòa trong 5 tháng mùa nóng ở miền Bắc dao động khoảng 28-64% điện năng tiêu thụ của mỗi gia đình. Do đó, việc đầu tiên để tiết kiệm điện trong mùa nóng là sử dụng điều hòa đúng cách.

Hóa đơn tiền điện ở miền Bắc lại tăng vọt - Ảnh 3.

Khi sử dụng điều hòa, một trong những yếu tố mọi người hay nhầm lẫn khiến điện năng tiêu thụ cao là bật nhiệt độ thấp. Mỗi độ giảm đi, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 2-3%. Khuyến cáo nhiệt độ trong nhà chỉ nên chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời 8-12 độ, không nên thấp hơn.

Ông Dũng cho biết khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng trung bình 2-3%. Ông cũng nhấn mạnh thói quen trời càng nóng, cài nhiệt độ điều hòa càng thấp của nhiều người sử dụng cũng vô tình gây tốn thêm điện.

“Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống 1 độ C, tiêu thụ điện năng của điều hòa sẽ tăng thêm 1,5-3%”, vị này chia sẻ.

PGS Dũng khuyến cáo nên để điều hòa từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.

Hiếu Công - Kiều Oanh