|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhân tố nào giúp chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất nhiều tháng gần đây?

07:05 | 10/10/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/10 đồng loạt đi lên, khép lại một tuần tương đối tích cực của các chỉ số chính. Nhà đầu tư tiếp tục hi vọng Tổng thống Donald Trump và Đảng Dân chủ có thể sớm thống nhất được một gói hỗ trợ kinh tế qui mô lớn.
Nhân tố nào giúp chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất nhiều tháng gần đây? - Ảnh 1.

Nhà giao dịch tại Sàn chứng khoán New York. (Nguồn: Reuters)

Theo CNBC, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 161 điểm, tương đương 0,6%, và đóng cửa ở 28.587 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đi lên lần lượt 0,9% và 1,4%.

Cổ phiếu Microsoft và Salesforce dẫn đầu đà đi lên của Dow Jones khi tăng tương ứng 2,5% và 2,2%. Nhóm tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ tăng mạnh nhất chỉ số S&P 500, cùng với tỉ lệ trên 1%. 

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 3,3% và ghi nhận mức tăng một tuần lớn nhất kể từ tháng 8. S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 3,8% và 4,6%, đánh dấu tuần khởi sắc nhất kể từ đầu tháng 7.

Ngày 9/10, Tổng thống Trump đăng tweet: "Đàm phán gói giải cứu COVID đang tiến triển. Qui mô khủng!".

CNBC cho biết chính quyền của ông Trump đã nâng đề xuất qui mô gói kích thích kinh tế vì COVID-19 từ 1.600 tỉ USD lên 1.800 tỉ USD, vẫn còn thấp hơn khoảng 400 tỉ USD so với đề xuất 2.200 tỉ USD của Đảng Dân chủ.

Sau đó cũng trong ngày 9/10, Tổng thống Trump trả lời phỏng vấn một đài truyền thanh cho biết ông "muốn một gói giải cứu kinh tế với qui mô lớn hơn cả đề xuất của Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa".

Gói cứu trợ mắc kẹt trong năm bầu cử

Chương trình hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hệ thống y tế và chính quyền địa phương trong đại dịch COVID-19 trị giá hơn 2.000 tỉ USD của Mỹ đã hết hạn hồi cuối tháng 7. Từ đó đến nay, hai đảng quốc hội Mỹ đã nhiều lần đàm phán nhưng không thể thống nhất được dự luật thay thế.

Nhân tố nào giúp chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất nhiều tháng gần đây? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kí thông qua gói hỗ trợ kinh tế ngày 27/3/2020. (Ảnh: Getty Images)

Đề xuất của Đảng Dân chủ luôn có qui mô lớn hơn so với Đảng Cộng hòa và chính quyền Tổng thống Trump. Ban đầu, Đảng Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện đã thông qua dự luật trị giá 3.400 tỉ USD, sau đó giảm còn 3.000 tỉ USD và hiện nay là 2.200 tỉ USD.

Chính quyền Trump và Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện ban đầu chỉ muốn một dự luật hạn chế với qui mô 300 tỉ USD, sau đó tăng lên 1.000 tỉ, 1.300 tỉ, 1.600 tỉ và gần đầy nhất là 1.800 tỉ USD.

Việc ông Trump tỏ ra "keo kiệt" khi đàm phán gói hỗ trợ trong một năm bầu cử như hiện nay là điều khiến nhiều nhà phân tích cảm thấy khó hiểu. 

Theo lẽ thường, các tổng thống muốn tái đắc cử như ông Trump sẽ phải tìm cách thúc đẩy quốc hội thông qua những dự luật hào phóng, tích cực chi tiền để người dân hài lòng với chính quyền hiện tại và bỏ phiếu giúp đương kim tổng thống có được nhiệm kì 2.

Trong thực tế, ông Trump và Đảng Cộng hòa lại liên tục đẩy mình vào thế bất lợi với cử tri khi kịch liệt phản đối đề xuất kích thích kinh tế mạnh tay của Đảng Dân chủ.

Hôm 6/10, Tổng thống Trump thậm chí còn đăng tweet cho biết ông đã chỉ đạo các bộ trưởng dưới quyền mình chấm dứt mọi cuộc đàm phán với Đảng Dân chủ về dự luật kích thích kinh tế, đợi đến sau cuộc bầu cử ngày 3/11 rồi nói chuyện tiếp.

Thông điệp này đã dội một gáo nước lạnh lên kì vọng của nhà đầu tư, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên 6/10 sụt 376 điểm so với tham chiếu, lao dốc gần 600 điểm từ đỉnh của ngày.

Những ngày sau đó ông Trump đã dịu dọng và cho thấy thiện chí sẵn sàng đàm phán về một số biện pháp kích thích đơn lẻ như phát tiền mặt trực tiếp cho người dân, hỗ trợ tiền lương cho người lao động ngành hàng không và các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Đảng Dân chủ khẳng định bà sẽ chỉ ủng hộ những dự luật bao trùm, không phải những biện pháp riêng lẻ.

Đến ngày 9/10, ông Trump lại nói "muốn một gói giải cứu với qui mô lớn hơn cả đề xuất của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa" nhưng hiện chưa rõ phương án mà chính quyền của ông đưa ra cụ thể là gì.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell thì cho rằng dự luật giải cứu mới sẽ "khó có thể" được thông qua trong ba tuần còn lại trước cuộc bầu cử ngày 3/11.

Thị trường trông ngóng

CNBC dẫn lời ông Keith Buchanan, Giám đốc quản lí danh mục tại công ty tư vấn đầu tư GLOBALT nhận xét: "Các cuộc đàm phán gói giải cứu thực sự đang chi phối biến động hàng ngày của thị trường chứng khoán". 

Ông cũng nhận định những phát biểu gần đây của các lãnh đạo cho thấy các cuộc đàm phán đã đạt được một số tiến triển nhưng Washington cần phải hành động thật nhanh để "giải tỏa áp lực đối với nền kinh tế".

Ông Tom Lee, nhà sáng lập hãng nghiên cứu Fundstrat nêu quan điểm: "Gói cứu trợ sẽ không có ích với thị trường nếu phải chờ đợi đến năm sau. Quí I/2021 sẽ cực kì đáng sợ. Trong ngắn hạn, chứng khoán không thích sự thiếu chắc chắn. Đây cũng là lí do cuộc bầu cử đang gây ra rất nhiều xáo trộn".

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo nếu thiếu kích thích tài khóa bổ sung, xu hướng phục hồi kinh tế Mỹ sẽ rất dễ sụp đổ. Ông đã nhiều lần hối thúc quốc hội thông qua dự luật hỗ trợ mới. 

Từ đầu đại dịch, Fed đã hành động mạnh tay bằng cách bơm hàng nghìn tỉ USD thanh khoản ra nền kinh tế nhưng ông Powell cảnh báo chính sách tiền tệ của Fed không thể thay thế được hỗ trợ tài khóa.

Nhà đầu tư, tỉ phú Carl Icahn tối 8/10 cho rằng các gói kích thích kinh tế trước đã rất hiệu quả trong hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

"Nhiều cổ phiếu bị coi là định giá quá cao nhưng vẫn cứ đi lên không ngừng nghỉ. Tôi nghĩ nguyên nhân là gói kích thích", ông Icahn nhận định. "Hiện nay tôi đang đầu tư giá lên (long) vì tôi tin rằng gói kích thích đang đến và sẽ tiếp tục đặc biệt là sau cuộc bầu cử".

Đức Quyền - Song Ngọc