|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân sự Fintech: Vừa thiếu vừa yếu

08:27 | 30/10/2022
Chia sẻ
Việt Nam là một quốc gia lọt top unbanked lớn nhất thế giới, điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành fintech Việt trên hành trình phát triển.

Tại sự kiện “Hệ sinh thái công nghệ tài chính toàn diện” do thuộc dự án hỗ trợ khởi nghiệp Techfest, câu chuyện về ý thức và kiến thức tài chính của người dùng cũng như vấn đề thách thức đối với các startup Fintech (công nghệ tài chính) đã được đưa ra bàn thảo.

Thiếu nhân sự, yếu kỹ năng

Từ góc độ người làm đào tạo, bà Đinh Thị Thanh Vân, nguyên là Phó Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã nêu ra một thực trạng phổ biến đối với ngành tài chính số hiện này chính là nhân sự thiếu kỹ năng cho ngành Fintech.

Bà Vân chia sẻ bản thân có cùng hai bạn sinh viên sáng lập ra một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech từ năm 2018. Trải qua quá trình làm việc, bà Vân nhận thấy vấn đề công nghệ là điều đầu tiên các startup Fintech gặp khó. Ngoài ra, các dự án startup non trẻ thường gặp vấn đến về quản trị.

 Người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt ngày càng nhiều sau đại dịch. (Ảnh: Thành Vũ).

“Các bạn còn rất trẻ nên không có nhiều kinh nghiệm quản lý. Đặc biệt, nhiều bạn thường lẫn lộn với tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp, không rạch ròi được các khoản tiền. Vấn đề nhân sự là điều đáng bàn khi startup tuyển dụng, người cứ đến rồi đi, có sao tuyển vậy.

Việc thiếu vốn và kỹ năng huy động vốn là điều mà tôi thường thấy ở các bạn startup. Trái với Finhay, Money Lover,… nhiều startup Fintech có ý tưởng hay nhưng khó khăn trong huy động vốn từ đầu nên không thể bứt phá”, bà Đinh Thị Thanh Vân nói.

Là người phụ trách dự án đào tạo thạc sỹ Fintech do Ủy ban châu Âu tài trợ, bà Đinh Thị Thanh Vân chia sẻ thực trạng Fintech Việt Nam rất cần nhân sự được đào tạo sâu về công nghệ tài chính.

“Thời điểm năm 2018, khi đưa sinh viên đi thực tập ở những ngân hàng lớn, tổ chức tài chính, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang rất thiếu lượng lớn nhân sự được đào tạo công nghệ tài chính. Các bạn làm ở bộ phận công nghệ thông tin thì giỏi về chuyên môn công nghệ nhưng lại thiếu tư duy của người học về kinh doanh, tài chính. Ngược lại, những bạn học tài chính thì lại không biết viết code như thế nào, thiếu kiến thức về công nghệ”, bà Thanh Vân cho biết.

Cơ hội của Fintech tại Việt Nam

Ông Ngô Thế Vinh, trưởng bộ phận quản lý dự án của Rootopia, một startup cung cấp các gói vay tài chính cho học sinh sinh viên trên hành trình theo đuổi sự học, nhận định đại dịch COVID-19 đã đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, giúp các công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán phát triển nhanh. Đồng thời, những mô hình sâu hơn của Fintech như Rootopia cũng có cơ hội để phát triển, thu hút sự quan tâm nhiều hơn.

Ông Vinh cho biết theo xu hướng tự chủ giáo dục, nhiều thành phố lớn như TP HCM đã tăng mức học phí lên hay một số trường đại học như Kinh tế Quốc dân hay Bách Khoa Hà Nội, mức học phí đã chạm 20 triệu đồng/kỳ… việc cung cấp các khoản trả góp tín chấp vừa phải cho đối tượng sinh viên là rất cần thiết.

Song, trong quá trình mở rộng thị trường tới nông thôn, Rootopia nhận thấy vấn đề là tỷ lệ unbanked (khái niệm chỉ người dùng chưa được tiếp cận ngân hàng hay các dịch vụ tài chính tương tự) ở Việt Nam đang ở mức cao.

“Mặc dù trải nghiệm về dịch vụ thẻ ngân hàng ở Việt Nam đã tăng lên, lượng thẻ tín dụng lên tới mấy chục triệu nhưng một người có thể sở hữu 4-5 cái thẻ. Thực tế, số người thuộc nhóm unbanked còn rất cao. Đơn cử, một thị trấn ở Thái Bình chỉ có hai chi nhánh ngân hàng.

Rootopia thường cung cấp gói dịch vụ tài chính cho các đối tượng ở khu vực này, do đó việc kiểm tra lịch sử tín dụng là điều rất khó vì hầu như nhiều người chưa từng sở hữu tài khoản ngân hàng. Chúng tôi thường phải dự trên mức thu nhập, dòng tiền vào ra từ hoạt động kinh doanh của khách hàng để đánh giá”, đại diện Rootopia nêu quan điểm về khó khăn khi phát triển dịch vụ công nghệ tài chính ở Việt Nam.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Merchant Machine, Maroc, Việt Nam, Ai Cập, Philippines, Mexico là 5 quốc gia có tỷ lệ unbanked cao nhất. Ở cấp độ toàn cầu, các khu vực có tỷ lệ cao gồm những nền kinh tế đang phát triển hoặc mới nổi là Trung Đông và châu Phi, với 50% dân số chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính, Nam và Trung Mỹ theo sau với 38%, Đông Âu và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở mức 33%, thị phần của Châu Á Thái Bình Dương là 24%. 

Vai trò 3 bên

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Trưởng làng Corporate Innovation Village - Techfest Vietnam dùng câu chuyện thành công của M-Pesa tại Kenya để nêu quan điểm về sự tham gia của Chính phủ và các tập đoàn lớn trong việc phát triển công nghệ tài chính.

Năm 2007, công ty viễn thông hàng đầu Kenya, Safaricom (thuộc Tập đoàn Vodafone) đã tung ra dịch vụ tài chính mobile money mang tên M-PESA. Trong đó, “Pesa” là từ tiếng Swahili để chỉ tiền và “M” là điện thoại di động.

Dịch vụ đã phát triển nhanh chóng kể từ khi ra mắt. Tính đến cuối tháng 3/2022, M-Pesa sở hữu hơn 52,4 triệu người dùng, theo số liệu từ Statista. Đây là một hệ thống dựa trên SMS cho phép người dùng gửi, gửi và rút tiền bằng cách sử dụng điện thoại di động.

Kể cả khi khách hàng của M-Pesa không có tài khoản ngân hàng, họ vẫn có thể giao dịch tại bất kỳ quốc gia nào. Việc đăng ký miễn phí cộng thêm cơ chế thu phí phân cấp đã giúp hầu hết người dùng ở Kenya sử dụng được dịch vụ, kể cả người dùng nghèo nhất cũng có thể sử dụng hệ thống với chi phí hợp lý.

 Ở Việt Nam, các mô hình Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán đang hướng tới nhóm đối tượng sở hữu tài khoản ngân hàng. Nhóm unbanked chưa được hỗ trợ nhiều. (Ảnh: Thành Vũ).

Bà Tuấn Minh chia sẻ bản thân bị ấn tượng mạnh bởi câu chuyện của M-Pesa. Theo bà, thành công của mô hình Fintech này đến từ sự tham gia của ba bên là chính phủ - doanh nghiệp lớn – khách hàng.

“Người dân Kenya vốn rất là nghèo, nội chiến liên miên, cơ hội tiếp cận internet rất khó. Tỷ lệ unbanked ở Keyny có khi còn lớn hơn Việt Nam nhưng dự án M-Pesa với sự tham gia của Vodafone đã trở thành câu chuyện nổi tiếng toàn cầu. Đặc biệt, Chính phủ Kenya hoàn toàn ủng hộ dự án này vì M-Pesa giúp việc thu thuế trở nên thuận tiện hơn, thay vì phải đi thu tận nơi thì Chính phủ Kenya có thể thu thuế qua M-Pesa”, bà Tuấn Minh chia sẻ.

Đại diện làng công nghệ Techfest cho rằng nếu các dự án Fintech cho thấy được lợi ích của mình, sự hữu dụng mà dịch vụ của mình mang lại, chắc chắn họ sẽ thu hút được sự chú ý từ Chính phủ. Như đã nêu trên, bà Tuấn Minh đề cao nguồn vốn đầu tư từ những doanh nghiệp lớn cộng thêm sự hưởng ứng của người dân là động lực thúc đẩy lĩnh vực Fintech phát triển.

Tuy vậy, đại diện làng công nghệ Techfest nhận định các doanh nghiệp hay ngân hàng lớn tại Việt Nam đang tập trung nhiều vào các đối tượng có thu nhập, tiếp cận được dịch vụ tài chính, thay vì hướng tới các thị trường cấp thấp hơn như cung cấp dịch vụ tài chính dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hay nhóm đối tượng chưa có cơ hội tiếp cận.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thành Vũ

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.