|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua bán bảo hiểm của các startup fintech Đông Nam Á

11:56 | 12/10/2022
Chia sẻ
Với công nghệ cùng hình thức bán hàng mới, các startup fintech từ Indonesia cho tới Việt Nam, đang nỗ lực để thay đổi cách nhìn của người dùng về bảo hiểm.

Một người dùng ứng dụng thanh toán MoMo chia sẻ trên Asia Nikkei rằng cứ 10 lần nạp điện thoại thì có khoảng ba lần cô nhìn thấy quảng cáo liên quan tới bảo hiểm. “Tôi không quan tâm quá nhiều đến nó”, người dùng này chia sẻ.

Phản ứng của người dùng này đã chỉ ra những thách thức mà các công ty Đông Nam Á phải đối mặt khi cố gắng khuấy động thị trường bảo hiểm. Mức độ thâm nhập của bảo hiểm vẫn còn tương đối thấp ở nhiều quốc gia trong khu vực trừ Singapore, và các mạng lưới bán hàng thường có tuổi đời khá lâu, từ Thái Lan đến Việt Nam, nơi những người bán hàng đôi khi ngồi dọc đường cao tốc, rao bán các hợp đồng mua bán bảo hiểm xe máy có giá chỉ khoảng 1 USD/năm.

Nhiều người bán bảo hiểm ở ngay lề đường. (Ảnh: Lien Hoang/Asia Nikkei).

Bán bảo hiểm trên các ứng dụng fintech

Các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính đang cố gắng giành lấy khách hàng khi họ mang đến những sản phẩm và cách bán hàng mới. Điều này cũng gây ra những cuộc tranh luận mới về vấn đề quyền riêng tư.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu lĩnh vực "insurtech" (một thuật ngữ kết hợp giữa bảo hiểm và công nghệ) có lựa chọn được mô hình kinh doanh phù hợp cho khu vực Đông Nam Á hay không.

Startup PasarPolis của Indonesia cho rằng điều này là có thể. Công ty cho biết phần lớn doanh thu của PasarPolis đến từ bảo hiểm được bán trong các giao dịch được thực hiện trên nền tảng của bên thứ ba. Ví dụ, khi mọi người lái xe cho Gojek hoặc đặt mua ba lô từ Shopee, họ có thể thêm bảo hiểm bằng một cú nhấp chuột. Nếu có bất cứ điều gì không ổn, họ sẽ được hoàn trả trong vòng vài phút.

Theo Cleosent Randing, Giám đốc điều hành của PasarPolis, để giành được khách hàng, công ty phải nhanh chóng thanh toán các yêu cầu bồi thường. Ông nói, định kiến ​​của các công ty bảo hiểm thường chống lại các khoản thanh toán như vậy vì nó làm tổn hại đến lợi nhuận. Lãnh đạo PasarPolis nhận định rằng đây là những suy nghĩ ngắn hạn.

“Từ bảo hiểm và tình yêu đã cách xa nhau rất nhiều. Chúng tôi muốn làm cho bảo hiểm trở thành một sản phẩm tiêu dùng đáng để mọi người yêu thích”, lãnh đạo PasarPolis chia sẻ.

Với các nhà đầu tư như nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và hãng gọi xe Gojek, PasarPolis đã mở rộng sang thị trường Thái Lan và Việt Nam, đồng thời sẽ tung ra một ứng dụng di động để mọi người mua các gói bảo hiểm phù hợp với nhiều nhu cầu.

Các dịch vụ công nghệ bảo hiểm khác trong khu vực đến từ Qoala, Grab và Coverfox, cũng như các công ty bảo hiểm lâu đời hơn đang có những chiến lược khác nhau, với mục đích chung là mở rộng thị trường.

Hình mẫu bán hàng mới

Sự mở rộng của PasarPolis diễn ra vào thời điểm có sự thay đổi lớn đối với ngành bảo hiểm. Xu hướng chuyển từ xe xăng sang xe điện và xe tự hành cũng khiến công việc tính toán của các chuyên gia trở nên phức tạp hơn.

Cũng có câu hỏi đặt ra là liệu các công ty có thể kiếm được lợi nhuận bằng cách bán, theo cách nói của Randing, các gói bảo hiểm "cỡ nhỏ" hay không. PasarPolis cho biết họ có cơ sở dữ liệu gồm 20 triệu khách hàng và hy vọng rằng số lượng này sẽ có lợi cho công ty.

Nhà phân tích Christian Konig nói rằng trong khi việc bán nhiều gói bảo hiểm nhỏ có thể hiệu quả đối với một số công ty, các hợp đồng lớn hơn mới là những thứ đem về lợi nhuận cao. Giám đốc điều hành của Fintech News Network đã đưa ra một ví dụ về chuyến bay mà ông đã đặt từ Singapore sang Dubai, có mức phí bảo hiểm lên tới 200 USD.

Các nhà phân tích cho biết, một số công ty insurtech của châu Á đã tìm ra hình mẫu trong chính sách bán hàng qua các nền tảng của bên thứ ba, từ thanh toán đến các kênh thương mại điện tử như Lazada hay Tiki. Điều này cho phép họ tiết kiệm chi phí phân phối, cũng như khai thác cơ sở người dùng lớn.

"Châu Á, ở một số khía cạnh, đang dẫn đầu trong không gian hệ sinh thái bảo hiểm. Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đang trở thành động lực cho thị trường. Người dùng ở các khu vực này có mật độ sử dụng ứng dụng lớn, qua đó giúp các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhiều đối tượng hơn”, đối tác của McKinsey, Alex Kimura, cho biết. Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ là ba thị trường chiếm khoảng 50% mức tăng trưởng toàn cầu trên thị trường bảo hiểm.

Swiss Re cũng coi siêu ứng dụng là một con đường để tăng trưởng. Trong một báo cáo về bảo hiểm năm 2021, công ty có trụ sở tại Zurich cho biết: "Chúng tôi mong đợi các nền tảng trực tuyến liên kết với các nguồn rộng hơn như mạng xã hội (ví dụ như WeChat ở Trung Quốc và Grab ở Đông Nam Á) hoặc các ứng dụng theo dõi sức khỏe. Điều này sẽ trở thành chìa khóa cho nguồn bán bảo hiểm nhân thọ vì người tiêu dùng sử dụng các kênh kỹ thuật số để mua bảo hiểm có khả năng sẽ sử dụng lại cùng một kênh".

Mức độ thâm nhập của bảo hiểm ở các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2026 (dự kiến). (Nguồn: Asia Nikkei).

Một cách phổ biến khác mà các công ty bảo hiểm cố gắng tiết kiệm tiền là sử dụng công nghệ máy học (machine learning) để xử lý các con số rủi ro. Việc đưa ra dự đoán tốt hơn giúp các công ty có thể điều chỉnh chi phí và doanh thu, nhưng cũng giống như việc dựa vào nền tảng của bên thứ ba, việc sử dụng công nghệ máy học và dữ liệu lớn cũng có thể tiềm ẩn những cạm bẫy.

Được trang bị với lượng lớn dữ liệu người dùng, các công ty bảo hiểm có thể xây dựng hồ sơ khách hàng với hàng trăm đặc điểm, các nhà phân tích cho biết. David Tuffley, Giảng viên công nghệ cao cấp tại Đại học Griffith của Australia, nói về các công ty bảo hiểm: “Các công ty bảo hiểm khả năng bị lạm dụng vì lượng lớn dữ liệu  và hồ sơ người dùng. Các thuật toán ngày nay hoàn toàn có thể sử dụng các tập dữ liệu lớn này một cách chính xác hơn”.

Công nghệ mới đã tạo ra nhiều tranh cãi. Ví dụ, những người sử dụng ứng dụng để đếm số bước của họ hoặc đo lường các chỉ số sức khỏe khác, có thể đủ điều kiện nhận phí bảo hiểm y tế thấp hơn. Các công ty bảo hiểm y tế gọi đây là một khoản giảm giá, trong khi những người không thể hoặc không sử dụng các ứng dụng như vậy có thể coi đó là một hình phạt.

Anh Nguyễn

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.