Miệt mài gọi vốn bất chấp đại dịch, Tiki muốn lấn sân sang bảo hiểm nhân thọ và IPO tại Mỹ
Sàn thương mại điện tử Tiki gọi được 258 triệu USD trong vòng đầu tư do AIA Insurance Inc. dẫn dắt trong bối cảnh Tiki muốn mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và lên kế hoạch thực hiện IPO tại Mỹ, theo Bloomberg.
Các nhà đầu tư khác cũng tham gia vào vòng Series E của Tiki bao gồm UBS AG London Branch, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile Co. và các nhà đầu tư hiện hữu như STIC GIGF Ltd, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO và người sáng lập Tiki, xác nhận với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn. Vòng gọi vốn này đưa định giá của Tiki lên tiệm cận mốc 1 tỷ USD, ông tiết lộ.
"Điều này cho thấy niềm tin của thị trường vốn toàn cầu về tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam", ông Sơn nói thêm. Ông thành lập công ty của mình vào năm 2010 bằng cách bán và giao sách trên chính chiếc xe máy của mình.
Từ đó, Tiki nổi lên như một trong những sàn thương mại điện tử nội địa lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, Tiki hoạt động trên toàn quốc với khoảng 4.000 nhân viên. Trước đây, Tiki cũng từng nhận được vốn từ Sumitomo Corp, JD.com và Northstar Group.
Theo kế hoạch ban đầu, Tiki muốn thực hiện IPO ở Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện tại, sàn thương mại điện tử Việt Nam muốn đẩy sớm kế hoạch này thêm một năm. Đợt IPO của Tiki có thể được thực hiện thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC), dù vậy, kế hoạch cuối cùng vẫn chưa được "chốt", theo ông Sơn.
CEO Tiki tin rằng việc niêm yết trên sàn Mỹ thành công của các startup như Tiki sẽ mở đường cho dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên ở lĩnh vực công nghệ Việt Nam. Ông cũng bày tỏ quan điểm rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm công nghệ Châu Á.
Sự lạc quan của Tiki đến từ thực tế rằng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng và nhiều người bắt đầu tìm đến mua sắm trực tuyến, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tiki kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng 40% đến 50% trong những năm tiếp theo.
Hiện tại, ở một số thành phố lớn, Tiki đang triển khai dịch vụ giao hàng trong 2 giờ. Dù vậy, startup này đang theo đuổi mục tiêu giao hàng trong vòng 30 phút và 1 giờ.
Ông Sơn nói rằng số vốn đầu tư mới sẽ dùng để đẩy mạnh đầu tư vào logistics, bao gồm trí tuệ nhân tạo và robot để quản lý nhà kho, đơn hàng và giao hàng. Bên cạnh đó, Tiki cũng lên kế hoạch phân phối sản phẩm bảo hiểm dễ mua và tuỳ biến cho mỗi cá nhân.
Tiki kí kết thoả thuận hợp tác 10 năm với AIA Insurance. Bên cạnh đó, Tiki cũng đẩy mạnh đa dạng hoá bằng cách phát triển nền tảng cho phép tích hợp các ứng dụng độc lập vào hệ sinh thái của Tiki. Ví dụ, ứng dụng của một công ty đầu tư cũng có thể được tích hợp cho phép người dùng Tiki dễ dàng xem được các gói đầu tư, ông Sơn chia sẻ thêm.
Ông Sơn định hướng Tiki tham gia vào nhiều mảng kinh doanh khác nhau. "Chúng tôi rất tập trung vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi tìm kiếm cơ hội đóng góp 1%, 2%, 3% vào GDP của Việt Nam", ông tự tin.
Việt Nam đặt mục tiêu mua sắm trực tuyến chiếm 10% dung lượng thị trường bán lẻ của Việt Nam vào năm 2025. Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, tỷ trọng kỳ vọng có thể lên tới 50%.
Việt Nam được dự đoán sẽ có 53 triệu người dùng mua sắm trực tuyến, tương đương 71% dân số trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên vào cuối năm 2021, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một báo cáo của Facebook và Bain & Co phát hành hồi tháng 8. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng kỹ thuật số tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam có thể đạt quy mô 12 tỷ USD vào năm nay và 56 tỷ USD vào năm 2026.
Hồi tháng 6, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết Tiki đã phát hành 10.000 trái phiếu với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 2 năm. Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo là 2,1 triệu cổ phần của Tiki. Trái phiều lần này có lãi suất cố định là 13%/năm.