|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 17/10: Dao động trong biên độ 990 - 998 điểm?

20:54 | 16/10/2019
Chia sẻ
Đây là phiên thứ 4 thị trường dao động nhẹ trên ngưỡng 990 điểm. Với thanh khoản như hiện nay, đây có thể là vùng tích lũy của thị trường để tạo đà bứt phá ngưỡng cản mạnh ở vùng 995 – 1.000 điểm.

Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có phiên dao động nhẹ trước vùng cản mạnh của thị trường ở 995 – 1.000 điểm. Diễn biến hôm nay không có gì khác so với những phiên gần đây khi thị trường tăng nhẹ đầu phiên và đà tăng bị kìm hãm vào cuối phiên. 

Kết phiên, VN-Index tăng 1,41 điểm (0,14%) lên 994,46 điểm; HNX-Index giảm 0,08% xuống 105,93 điểm; UPCoM-Index giảm 0,51% xuống 56,47 điểm. Tuy các chỉ số tăng điểm nhưng đây lại là phiên "xanh vỏ đỏ lòng", toàn thị trường ghi nhận 134 mã tăng/172 mã giảm, rổ VN30 có 7 mã tăng/17 mã giảm.

Thanh khoản thị trường cũng giảm sút so với các phiên trước với tổng khối lượng giao dịch 237,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.266 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 908 tỉ đồng.

Nhóm cổ phiếu trụ cột tiếp tục có sự phân hóa mạnh với sắc xanh trên các mã như VNM (1,6%), VCB (1,1%), POW (2,7%), CTG (0,9%), TCB (0,8%), PNJ (2,4%)... và sắc đỏ trên các cổ phiếu như VIC (0,3%), BID (0,6%), PLX (0,9%), SAB (0,3%), VJC (0,4%), MSN (0,8%)...

Đáng chú ý, FLC có phiên tăng trần thứ ba liên tiếp và thanh khoản hôm nay cao đột biến lên tới hơn 30 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Công ty vừa công bố chốt ngày chào bán hơn 300 triệu cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, dù giá hiện tại chỉ là 4.050 đồng/cổ phiếu. HAX tăng trần phiên thứ hai liên tiếp sau thông tin chào mua của cổ đông nước ngoài.

vn

Đồ thị kĩ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: Chứng khoán MB

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 17/10:

Duy trì tăng điểm

Chứng khoán MB (MBS)

Về kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường vẫn tiếp diễn, kịch bản khả dĩ lúc này là tích lũy vài phiên ở vùng cản mạnh trước khi bứt phá qua ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí III có thể là nhân tố giúp thị trường thành công ở lần vượt cản này.

Giằng co

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 17/10, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 991 - 1.000 điểm (MA20-trendline nối các đỉnh từ tháng 10/2018). 

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua trước đó. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua thấp (buy low) khi chỉ số lùi về gần ngưỡng hỗ trợ 980 điểm và bán cao (sell high) khi chỉ số tiến đến gần ngưỡng kháng cự 1.000 điểm.

Tâm lý giao dịch kém tích cực

Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Phiên thứ ba liên tiếp chỉ số giằng co trong phiên nhưng không có sự bứt phá nào đáng kể. Chỉ số luôn thoái lui mỗi khi đi vào vùng kháng cự mạnh 995 - 1.000 điểm, cho thấy sự không đồng thuận và tâm lý có phần e ngại của nhiều NĐT trên thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI tiếp tục cải thiện nhẹ. Đường MACD có xu hướng sắp cắt lên trên đường tín hiệu. Đường RSI hướng đến ngưỡng 60.

Dao động trong vùng 990 - 998 điểm

Chứng khoán Bảo Việt (BVS)

Thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. VN-Index nhiều khả năng vẫn dao động trong vùng 990 - 998 điểm. 

Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quí III của từng doanh nghiệp cụ thể. Ngoài ra, có khả năng các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể sẽ chịu biến động mạnh trong phiên kế tiếp do mai là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ánh Hường

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.