|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 12/8: Dòng tiền tiếp tục phân hóa

19:02 | 11/08/2021
Chia sẻ
Theo nhận định của công ty chứng khoán, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục vào vùng lạc quan quá mức cho thấy thị trường có thể sẽ liên tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh và dòng tiền cũng sẽ phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm cổ phiếu trong ngắn hạn.

Thị trường trong nước đã có sự khởi đầu thuận lợi cùng với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy vậy, thị trường đã không giữ được thành quả trong những phút cuối phiên dù phần lớn thời gian thị trường giao dịch trong sắc xanh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 4,64 điểm xuống 1.357,79 điểm, trong đó VN30-Index giảm 6,5 điểm còn 1.487,91 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 182 mã tăng/205 mã giảm, ở rổ VN30 có 9 mã tăng, 18 mã giảm và 3 mã tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ với giá trị khớp lệnh đạt hơn 24.590 tỷ đồng. Việc thanh khoản ở mức cao tuy nhiên phiên này chỉ số lại đóng cửa ở mức thấp nhất trong này là tín hiệu nên thận trọng. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi tiếp tục bán ròng với tổng giá trị hơn 745 tỷ đồng.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 12/8: Dòng tiền tiếp tục phân hóa - Ảnh 1.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 12/8:

Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp và mức 1.340 điểm là mức hỗ trợ của VN-Index. Đồng thời, nhịp điều chỉnh chưa ảnh hưởng lên xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường, đặc biệt dòng tiền có dấu hiệu gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh do áp lực chốt lời gia tăng ở hai nhóm cổ phiếu này.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng vào vùng lạc quan quá mức cho nên thị trường có thể sẽ liên tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh và dòng tiền cũng sẽ phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm cổ phiếu trong ngắn hạn.

Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường trong nước rung lắc hôm nay không khó dự đoán sau khi chạm ngưỡng cản kỹ thuật 1.375 điểm, áp lực chốt lời khiến chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên kèm thanh khoản cao là điều cần lưu ý. Dù vậy, một phiên chốt lời thuần túy chưa ảnh hưởng đến xu hướng tăng của thị trường.

Lúc này, nhóm cổ phiếu trụ chính là chỉ báo của thị trường, chừng nào nhóm này vẫn tiếp tục nâng đỡ thị trường hoặc tích cực hơn là luân phiên thay nhau dẫn dắt thì thị trường có thể dao động trong vùng 1.350 điểm - 1.370 điểm, kịch bản thận trọng chỉ khi chỉ số để mất ngưỡng 1.350 điểm.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sau nỗ lực tăng điểm đầu phiên bất thành, VN-Index đảo chiều giảm điểm với đà rơi mở rộng dần về cuối phiên. Với tín hiệu bulltrap đầu phiên sau đó giảm mạnh cùng khối lượng giao dịch tăng cao tiếp tục cho thấy dấu hiệu của một phiên phân phối điển hình.

Mặc dù xu hướng hồi phục từ đáy ngắn hạn vẫn đang được bảo lưu với vùng hỗ trợ gần quanh 1.335 - 1.345 nhưng tín hiệu đảo chiều xuất hiện khi chỉ số áp sát vùng kháng cự mạnh 1.38x khiến rủi ro giảm điểm đang có phần lấn át.

Nhà đầu tư có thể nắm giữ lại các vị thế trung hạn, tương ứng với kỳ vọng vượt đỉnh; tiếp tục đóng dần các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục tại các nhịp hồi phục trong phiên.

Chứng khoán VietinBank (CTS)

Xét trong ngắn hạn T+3, dư địa tăng giá của VN-Index đang cho thấy dấu hiệu suy yếu mặc dù thanh khoản lẫn cả giá trị giao dịch vẫn đang duy trì kịch bản cải thiện tích cực. Khối ngoại trong phiên giao dịch này đã tiếp tục bán ròng khá mạnh với tổng giá trị bán ròng đạt khoảng gần 740 tỷ đồng.

Với dư địa hồi phục và tăng giá có chiều hướng suy yếu đi cùng với sự tham gia trở lại một cách tích cực hơn của dòng tiền, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng giải ngân tại vùng hỗ trợ trung hạn 1.320 – 1.325 điểm vào nhóm các cổ phiếu hiện đang là điểm nhấn giao dịch như bất động sản, bán lẻ.

Bên cạnh đó việc xuống tiền đầu tư vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng và chứng khoán có thể cân nhắc với kỳ vọng VN-Index quay trở lại mức 1.385 điểm (kịch bản thận trọng) hoặc tiến tới vượt ngưỡng điểm cao nhất vừa được xác lập tại 1.425 điểm (kịch bản tích cực).

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.  

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.