|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhận diện khó khăn, tìm cách giảm tác động của dịch nCoV tới xuất khẩu

19:37 | 09/02/2020
Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV, Bộ Công Thương đã họp bán tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Nhận diện khó khăn, tìm cách giảm tác động của dịch nCoV tới xuất khẩu - Ảnh 1.

Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đã tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong đó có dệt may, da giày, linh kiện điện tử… do phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.

Chính vì vậy, để ứng phó có hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Khó khăn đã xuất hiện

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong bức tranh chung do tác động của dịch nCoV, ngành da giày cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Khảo sát sơ bộ của hiệp hội, nguyên liệu trong kho của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng sản xuất một thời gian nữa. Nếu tiếp tục diễn biến này thì các doanh nghiệp da giày sẽ gặp khó.

“Hiện các doanh nghiệp đang tìm hướng thay thế nhưng chỉ đáp ứng được một phần và các giải pháp cũng chỉ mang tính chất ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay,” bà Xuân nói.

Là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu thế giới, dệt may cũng đang chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch nCoV.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin qua nắm bắt tình hình các doanh nghiệp trong ngành cho thấy, dịch sẽ tác động rất lớn do phụ thuộc nguyên phụ liệu từ phía Trung Quốc.

“Mặc dù các doanh nghiệp đã tìm mọi cách nhưng tình hình được đánh giá là hết sức khó khăn nếu phía Trung Quốc tiếp tục đóng cửa biên giới,” ông Cẩm nói.

- Xuất khẩu một số mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến:

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành dệt may còn lo ngại nếu như dừng sản xuất, doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của Luật Lao động hiện hành.

Đặc biệt với một doanh nghiệp có hàng ngàn người lao động thì không biết sẽ cầm cự được bao lâu. Vì thế, cùng với việc khoanh vùng, kiểm soát dịch, tránh lây lan càng sớm càng tốt, ông Cẩm khuyến nghị, nếu dịch bệnh kéo dài, Nhà nước cần cân nhắc đến các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và cả người lao động.

Trong khi đó, đại diện Samsung Việt Nam cũng nêu khó khăn vướng phải do thủ tục nhập khẩu thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và mong muốn chính quyền hai nước tạo điều kiện giảm thiểu thiệt hại của dịch gây ra đối với hoạt động giao nhận tại cửa khẩu.

Đồng hành, gỡ khó cho doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2020 đã có sự sụt giảm mạnh, khi đem về 15,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 12/2019 và giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù nguyên nhân do tháng Một có kỳ nghỉ Tết kéo dài song theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, tác động của dịch bệnh nCoV đến ngành hàng này sẽ thấy rõ rệt trong vòng 1 - 2 tháng nữa.

Cụ thể, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất đang gần hết. Trong khi đó, các lô hàng đang đặt mới đang tắc ở khâu thông quan tại cửa khẩu đường bộ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế không dễ tìm nguồn thay thế do ngành hàng điện tử đã được tính toán theo chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Do vậy, để giảm thiểu những tác động, bà Hương kiến nghị nhà nước cần có chính sách khoan-dãn nợ, đưa ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành.

Nhận diện khó khăn, tìm cách giảm tác động của dịch nCoV tới xuất khẩu - Ảnh 2.

Chủ động các phương án sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu phải cập nhật thông tin của từng ngành nghề, lĩnh vực trong cả trước mắt và lâu dài, qua đó tính tới các phương án cụ thể để đảm bảo kế hoạch sản xuất trong bối cảnh Chính phủ không điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng.

Ông cũng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết lượng nông sản đang tồn ứ do ách tắc trong thông quan với thị trường Trung Quốc đồng thời đánh giá lại quy mô khối lượng đã và sẽ ách tắc thời gian tới, trên cơ sở đó tính toán lại các địa bàn tiềm năng để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh đề nghị Vụ Thị trường trong nước tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để vận động thúc đẩy tiêu thụ, xem xét cơ chế tạo thuận lợi từ cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp phân phối hưởng ưu đãi trong tiêu thụ nông sản, không chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà còn đưa sản phẩm hàng hóa ra các hệ thống tại nước ngoài.

Đối với các Vụ, Cục có liên quan đến lĩnh vực năng lượng, cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn tại các dự án năng lượng và hoạt động của các doanh nghiệp này, đảm bảo duy trì nhịp độ sản xuất, triển khai của các dự án, đồng thời làm việc với Hiệp hội và chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đức Duy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.