Lọc dầu Bình Sơn hoạt động vượt 100% công suất, nhập khẩu tăng cường, nguồn cung xăng dầu nửa cuối năm liệu có đủ?
Theo Bộ Công Thương, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2022 dự kiến khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,4 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3.
Trong quý II, nguồn cung xăng dầu cả trong nước và nhập khẩu dự kiến khoảng 6,7 triệu m3, trong đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp 1,8 triệu m3, chiếm gần 27% tổng cung; nhà máy Bình Sơn cung cấp khoảng 1,9 triệu m3, chiếm 28%.
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu trong quý II dự kiến khoảng 5,2 triệu m3. Như vậy, nguồn cung xăng dầu quý II sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.
Bộ Công Thương đánh giá nửa cuối năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các vấn đề địa chính trị và các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho năm 2022, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết từ đầu năm đến nay, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đã chạy hơn 100% công suất.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng giao các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung từ nay đến quý III, quý IV. Ngoài ra, Bộ cũng chuẩn bị sẵn các kịch bản để bằng mọi cách đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) chia sẻ giá xăng dầu thời gian tới dự báo vẫn phụ thuộc diễn biến căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine và chính sách cấm vận của châu Âu với Nga.
Giá xăng dầu có thể dao động từ 100-120 USD/thùng, nếu căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang, nhưng khó lên 150 USD như một số dự báo vì các nước sẽ có biện pháp ngăn chặn đà tăng của giá xăng dầu.
“Ở trong nước, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết đảm bảo nguồn cung cho thị trường xăng dầu đến hết quý III”, đại diện VINPA khẳng định.
Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết Tập đoàn đã chủ động nhập khẩu xăng dầu từ các nước song một bất lợi là giá đang rất cao.
Liên quan đến các loại thuế xăng dầu, Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát.