|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà kinh doanh nông sản nắm lấy cơ hội kép từ EVFTA

06:57 | 10/11/2020
Chia sẻ
"Chúng tôi luôn tìm cách, chúng tôi luôn tìm cách và chúng tôi luôn tìm cách, làm sao để bán được hàng cho thế giới và cho cả Việt Nam, trong khó khăn, càng thúc đẩy chúng tôi quyết liệt hơn", ông chủ Phúc Sinh, người được mệnh danh là "Vua hồ tiêu" nói về cách doanh nghiệp ông đang vượt COVID-19 để tiếp tục phát triển.
Vua hồ tiêu ra mắt mobile app, mục tiêu chiếm 60-70% doanh thu nội địa vào năm 2021 - Ảnh 1.

Mục tiêu của Phúc Sinh là đưa Kphucsinh trở thành một đại siêu thị khổng lồ. (Ảnh chụp màn hình Kphucsinh)

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản trong năm nay, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh cho biết, trong những năm qua, thị trường chính của Phúc Sinh chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ. 

"Cho đến đầu năm nay, chúng tôi nhận thấy những khó khăn đang đến với kinh tế toàn cầu và Việt Nam, bao gồm các thị trường Phúc Sinh đang hoạt động. 

Hàng ngày, tôi tiếp xúc với rất nhiều bạn hàng, những người bạn kinh doanh của tôi cho biết nhiều người trong số họ đang rất khó khăn. Còn chúng tôi tự nhận thấy mình may mắn. 

Chúng tôi luôn tìm cách, chúng tôi luôn tìm cách và chúng tôi luôn tìm cách làm sao để bán được hàng cho thế giới và cho cả thị trường nội địa. Trong khó khăn, càng thúc đẩy chúng tôi quyết liệt hơn

Do đó, công ty đã tăng cường thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tìm đủ mọi cách để bán được hàng. Chúng tôi bán rất nhiều vào các siêu thị, kiot, online. Song song đó là đầu tư thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản phẩm", ông Thông cho hay.

Ngày 6/11 vừa qua, Phúc Sinh cũng đã cho ra mắt giao diện website và mobile app Kphucsinh. Mục tiêu theo ông chủ Phúc Sinh đề ra là có khoảng 10.000 người tải app từ nay đến cuối năm và bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 60 - 70% tổng doanh thu nội địa của công ty vào năm 2021.

Ông Thông cho biết, Phúc Sinh đã chạy thử app trong vòng 10 ngày và cho về kết quả đáng mong đợi, công ty có thêm nhiều đơn đặt hàng qua kênh mới này. Hiện tại, những sản phẩm của Phúc Sinh cũng được bán trên các sàn thương mại điện tử khác như Tiki, Lazada.

"Khó khăn giống như những cơn lũ"

Khi được hỏi liệu có phải Phúc Sinh cũng chịu áp lực như một số nhà kinh doanh khác phải lựa chọn việc chuyển sang kinh doanh online hay không, ông Thông ví von "những khó khăn giống như cơn lũ. Khi cơn lũ đến, mọi người đều ảnh hưởng.

Phúc Sinh từng trải qua ba cuộc khủng hoảng. Nếu không có những khó khăn sẽ không có Phúc Sinh như ngày hôm nay. Chúng tôi phải thay đổi từng ngày để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hộ và phát triển hơn nữa".

Là một công ty xuất khẩu, Phúc Sinh nhận đơn hàng từ mọi nhà mua hàng khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (10 kg đến hàng trăm tấn) nên mạng lưới bán hàng khá lớn. Khi COVID-19 đến, công ty vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh và giữ được nhiều đơn hàng.

Bên cạnh đó, Phúc Sinh đã quen với các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn ở các nước châu Âu. Cho nên khi cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, chất lượng là yếu tố cạnh tranh giúp Phúc Sinh vượt qua nhiều thách thức trên thị trường bán lẻ.

Nhà kinh doanh nông sản nắm lấy cơ hội kép từ EVFTA - Ảnh 2.

Theo ông Phan Minh Thông, "sản phẩm đa dạng, mang tính sáng tạo, tiện lợi và giá cả cạnh tranh là những yếu tố giúp nâng cao năng lực và hoạt động của doanh nghiệp" (Ảnh: Phúc Sinh)

Ông Thông cho biết, doanh thu của công ty may mắn không bị giảm trong các đợt COVID-19. Hiện doanh thu từ thị trường nội địa của công ty hiện chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu 4.000 - 5.000 tỉ đồng mỗi năm nhưng luôn luôn tăng trưởng 100%, tức nếu năm nay đạt 30 tỉ đồng thì năm sau đạt 60 tỉ đồng và sẽ tăng lên 120 tỉ đồng vào năm kế tiếp.

Với thị trường xuất khẩu, Phúc Sinh bán nguyên liệu các mặt hàng nông sản và hàng có thương hiệu (brand). Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên công ty không thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ cho bán hàng mạnh mẽ như trước đây.

Tuy nhiên, dự kiến đến hết quí II/2021 công ty sẽ đẩy mạnh các hoạt động này trở lại. Theo đó, thị phần nội địa lẫn xuất khẩu cũng được kì vọng tiếp tục mở rộng.

Vua hồ tiêu ra mắt mobile app, mục tiêu chiếm 60-70% doanh thu nội địa vào năm 2021 - Ảnh 2.

Làm chủ công nghệ để tận dụng lợi thế cạnh tranh và phát huy những lợi thế hiện hữu của nông nghiệp Việt Nam là chiến lược của Phúc Sinh (Ảnh: Ngọc Anh).

Cơ hội hai chiều từ EVFTA

Hoạt động ở lực vực xuất khẩu với mặt hàng chủ lực gồm cà phê, trà, tiêu,…, Phúc Sinh cũng như nhiều doanh nghiệp khác được đều chịu tác động từ Hiệp định EVFTA.

Theo quan sát của ông Thông, khi Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực, các nhà bán hàng từ châu Âu đã rục rịch bán hàng sang Việt Nam. Và đến khi hiệp định có hiệu lực, việc giảm thuế từ các sản phẩm nhập khẩu châu Âu đã mang đến những con số tích cực.

Đơn cử như các mặt hàng trước đây chịu thuế 30% đã giảm xuống 10%, tương tự các mặt hàng chịu thuế từ 10% lại giảm xuống 5%, thậm chí còn 0%.

Người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ chính sách này. Chính vì vậy, Kphucsinh đã bán hàng châu Âu với giá giảm 25 - 45% trên mỗi sản phẩm.

"Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều cạnh tranh trên thị trường này nhưng chung qui người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Ngược lại, nhờ mạng lưới bán hàng rất lớn ở thị trường châu Âu nên nhiều khách hàng của Phúc Sinh cho biết họ sẵn sàng đón nhận hàng tiêu dùng Việt Nam vào châu Âu", ông Thông cho biết.

Nhìn chung, các hiệp định như EVFTA tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ở các quốc gia hợp tác giao thương, hướng đến các thị trường tốt hơn, thuận lợi hơn. Mặt khác, điều đó cũng tạo ra áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp luôn tìm cơ hội và sáng tạo.

Do đó, việc làm chủ công nghệ để tận dụng lợi thế cạnh tranh và phát huy những lợi thế hiện hữu của nông nghiệp Việt Nam là chiến lược của Phúc Sinh.

Ông Thông lấy ví dụ, ở châu Âu không trồng được cà phê cũng như châu Mỹ không trồng được tiêu và Phúc Sinh đã cung cấp các mặt hàng này có ứng dụng công nghệ. Trước đây ở Đức đã xuất hiện sản phẩm tiêu theo công nghệ sấy khô hoặc sấy ướt, còn tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh theo công nghệ sấy -60 độ C.

Giá trị gia tăng của các sản phẩm ứng dụng công nghệ chế biến này rất cao. Nếu hồ tiêu bình thường có giá bán 3.200 USD/ tấn thì tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh được bán ra với giá 16.000-18.000 USD/ tấn.

Ngọc Anh