Nhà hàng, quán ăn chuyển hướng vì tác động kép
Quán hàng vắng ngắt vì tác động kép
Sau Tết là dịp nhiều cơ quan, công ty tổ chức mừng năm mới, khai xuân nhưng nhiều nhà hàng, quán bia tại Hà Nội năm nay thưa vắng bất thường. Ngày 3/2, dù đến thời gian nghỉ ăn trưa nhưng các quán bia, quán nhậu trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Nguyễn Hữu Thọ (quận Nam Từ Liêm) hầu như không có khách. Thậm chí, nhiều quán bia lớn chỉ thấy nhân viên phục vụ.
Các quán bia như Lan Chín, Thu Hằng… trên đường Nguyễn Hữu Thọ còn cử bảo vệ ra để vẫy, đón khách. \
Hệ thống quán bia Hải Xồm đóng cửa nghỉ Tết đến ngày 10/2 (tức 17/1 âm lịch). Bảo vệ ở đây cho biết, trước Tết lượng khách cũng đều đều, sau nghỉ Tết ông chủ có chủ trương nghỉ Tết đến hết tuần sau vì thấy nhiều quán mở từ ngày 30/1 (tức 6/1 âm lịch) nhưng vắng khách.
“Từ trước Tết, dịch vụ ăn uống đã bị tác động rất mạnh bởi Nghị định 100. Ngay sau Tết lại bập vào dịch corona nên hiện nay chúng tôi đang rất khó khăn. Bỏ quán thì cả chủ và nhân viên mất việc, giờ chỉ còn cách phục vụ tốt hơn để tồn tại”.
Anh Dũng, chủ “Mộc quán” ở đường Nguyễn Chí Thanh
Trao đổi với phóng viên, nhiều chủ nhà hàng, quán nhậu cho biết, tình trạng vắng khách là do tác động kép của việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn (Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trật tự an toàn giao thông) và dịch corona.
Chủ Ngư Quán (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù kinh doanh các món cá đặc sản, rất nhiều khách quen nhưng mấy ngày qua, nhà hàng vắng khách, doanh thu sụt giảm. Theo vị này, nguyên nhân do nhiều người lo sợ virus corona, sau khi Bộ Y tế ra khuyến cáo người dân tránh xuất hiện, tiếp xúc ở những nơi đông người.
Thay đổi mô hình, cố giữ khách “ruột”
Ghi nhận một số quán bia lớn vắng khách cho thấy, nhiều quán đã chia nhỏ diện tích để cho thuê làm quán cà phê, tiệm trà chanh hoặc mở thêm dịch vụ ăn sáng. Trước Tết hơn 1 tháng, ông chủ hệ thống quán nhậu “Anh em quán” (có 5 điểm bán ở Hà Nội, Thái Nguyên) lên kế hoạch năm 2020 sẽ mở thêm vài nhà hàng.
Lúc này, doanh thu trung bình của mỗi điểm bán mỗi ngày lãi từ 6 -10 triệu đồng. Nhưng khi Nghị định 100 có hiệu lực, lượng khách bất ngờ sụt giảm, liên tục lỗ nên không dám mở thêm.
Hiện nay, tại mỗi điểm doanh thu hàng ngày lỗ khoảng 3 triệu đồng. Trong đó, ngoài tiền thuê địa điểm mỗi tháng gần 50 triệu, lương nhân viên phục vụ, thực phẩm ế hằng ngày cũng tốn khá nhiều chi phí.
“Trước mắt, mỗi tối anh em tự tổ chức mời bạn bè đến hỗ trợ, tổ chức các buổi gặp gỡ để tạo không khí, giải quyết thực phẩm (do đã ký hợp đồng cung cấp - PV).
Ngoài ra, trong những ngày tới, quán sẽ áp dụng bán phở ăn sáng, nhậu vỉa hè buổi đêm giải quyết khâu việc làm cho nhân viên, tăng thêm thu nhập”, vị chủ quán này chia sẻ. Vị này cho biết đang có ý định bán bớt quán để cắt lỗ kể cả “giá chuyển nhượng quán có giảm một nửa so với vốn đầu tư”.
Cũng bị ảnh hưởng lớn sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, doanh thu của quán DOMINO (các món ăn Tây Bắc) của ông chủ tên Trung cũng bị sụt giảm 1/3 so với trước đây (giảm khoảng 200 triệu/tháng). Hai điểm quán này được xây dựng ở khu vực phố cổ và khu vực Cầu Giấy luôn đông khách bởi những món ăn lạ, đặc sản của miền núi.
Cách để tồn tại trong điều kiện hiện nay được quán này áp dụng là ông chủ trực tiếp đến giao lưu và xin số điện thoại của khách. Khi có món đặc biệt, đích thân chủ quán gửi lời mời khách qua tin nhắn.
Các nhà hàng nhỏ khác cũng áp dụng các biện pháp để tồn tại. “Mộc quán” nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh cho nhân viên bán đồ ăn sáng và cơm văn phòng vào buổi trưa để có thêm thu nhập, đảm bảo lương thưởng cho gần 10 nhân viên.
Anh Dũng, chủ quán này cho biết, anh đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng, để khách coi quán như “bếp ăn” riêng của mình. Dù lượng khách không tăng vọt nhưng đây cũng là cách để những khách hàng thân thiết tìm đến quán đều đặn.