|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà giàu tìm đường rời Trung Quốc vì chịu hết nổi 'Zero COVID'

14:26 | 19/04/2022
Chia sẻ
Số khách hàng Trung Quốc tìm đến các công ty cung cấp dịch vụ nhập cư đang tăng mạnh trong bối cảnh các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khiến người dân khó tiếp cận thực phẩm, y tế và thuốc men.

Một nhân viên an ninh sát kiểm soát lối vào ở đường hầm dẫn vào khu Phố Đông ở Thượng Hải. (Ảnh: Getty Images)

Bất an vì Zero COVID

Các công ty tư vấn nhập cư ở Trung Quốc cho biết lượng khách hàng giàu có có nhu cầu rời nước đã nhảy vọt kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa. Hiện tượng này cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng đối với chiến lược Zero COVID của Trung Quốc.

Hơn chục công ty tư vấn nhập cư mà tờ Financial Times liên hệ cho biết yêu cầu hỗ trợ đã gia tăng đáng kể trong tháng này, sau khi giới chức áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát làn sóng Omicron. Lượng tìm kiếm những từ khóa liên quan cũng tăng chóng mặt, với WeChat ghi nhận mức tăng tới 7 lần cho từ khóa “nhập cư” kể từ đầu tháng 4, theo WeChat Index.

Các công ty tư vấn nhập cư cho biết khách hàng từng hoãn hoặc hủy kế hoạch chuyển sang nước khác vì sợ nhiễm COVID-19 hay bị kỳ thị ở nước ngoài đã lần nữa đổi ý. Ông James Chen, một cố vấn ở Thượng Hải nêu ý kiến: “Các nhà chức trách đang bắt người dân hy sinh quyền cơ bản để chống lại một căn bệnh chẳng nặng hơn cúm mùa là bao. Khách hàng của chúng tôi lựa chọn rời đi”.

Người đại diện của QWOS, công ty dịch vụ nhập cư ở Thượng Hải tiết lộ: “Tôi nhận được quá nhiều câu hỏi trong vài tuần qua đến mức không thể trả lời kịp thời được”. Người này nhận được hơn 200 yêu cầu tư vấn chỉ riêng trong ngày 16/4.

Bà Lucy Wang, chủ sở hữu công ty tư vấn nhập cư ở Thành Đô phải làm việc 12 giờ mỗi ngày để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Bà nói: “Đã lâu rồi tôi chưa phải bận đến mức này”.

Cư dân Thượng Hải ngày càng mất kiên nhẫn với các hạn chế chống dịch. Nhiều người cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhu yếu phẩm, bao gồm lương thực và thuốc men. Thậm chí thành phố còn nổ ra một cuộc biểu tình nhỏ vào tuần trước.

Thượng Hải báo cáo hơn 350.000 ca mắc COVID-19 kể từ tháng 3 nhưng các chuyên gia y tế nghi ngờ tính xác thực của dữ liệu chính thức. Hôm 18/4, các nhà chức trách thông báo ba người cao tuổi với bệnh nền đã qua đời khi mắc COVID-19. Đây là các ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 đầu tiên trong thành phố trong đợt dịch hiện nay. Chỉ 38% cư dân thượng Hải ở độ tuổi trên 60 được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

 

Cô Jane Wang, nhà nghiên cứu marketing ở Thượng Hải chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc bị mắc kẹt trong nhà nhiều ngày mà không có đủ đồ ăn”. Cô đã liên hệ với QWOS sau hơn 4 tuần cách ly ở nhà. Cô nói thêm: “Những gì xảy ra ở Thượng Hải khiến tôi thấy bất an. Tôi muốn sống tại một nơi mà không cần lo sẽ bị ép phải cách ly”.

Hiện tượng nhất thời hay xu hướng mới?

Theo các nhà tư vấn, các điểm đến từng được ưa thích như Mỹ và Canada đã mất bớt sức hấp dẫn đối với những người muốn nhập cư vì quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Các nước duy trì quan hệ hữu hảo hơn với Bắc Kinh như Singapore và Ireland thì nay được ưa chuộng hơn.

Anh John Li, kỹ sư sống ở Bắc Kinh đã từ bỏ giấc mơ chuyển đến San Francisco và tuần trước trả cho đại lý 40.000 nhân dân tệ (tương đương 6.300 USD) để có được giấy phép cư trú của Singapore. Anh giải thích: “Tôi không cảm thấy được chào đón ở Mỹ khi mà các chính trị gia và truyền thông liên tục nói những điều tiêu cực về Trung Quốc. Tôi muốn sống ở nơi mà người Trung Quốc được tôn trọng”.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng các yếu tố như hạn chế đi lại quốc tế và thiếu hụt cơ hội việc làm có thể ngăn cản tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc rời nước.

Ông Cong Cao, Giáo sư tại Đại học Nottingham Ningbo cho biết: “Người muốn cư trú ở một quốc gia khác phải được quốc gia đó chấp nhận và trải qua quy trình thu nhận phức tạp. Tình hình hiện nay ở Thượng Hải và nhiều thành phố khác có thể đẩy nhanh cuộc di cư của một số gia đình trung lưu bị ảnh hưởng nhưng còn quá sớm để nói liệu nó có trở thành xu hướng hay không”. 

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.