Nhà đầu tư Mỹ đã có ‘cơ hội’ để ngừng mua cổ phiếu, nhưng sao họ không làm vậy?
Phi logic
Hiện tại, không gì có thể cản đường thị trường chứng khoán Mỹ. Thậm chí Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng không phải ngoại lệ. Và đà tăng của thị trường có vẻ sẽ không sớm dừng lại.
Nếu các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ muốn có cớ để chốt lời trong tuần vừa qua, thì họ đã được toại nguyện. Hôm 14/6, Fed thông báo tạm ngừng chiến dịch tăng lãi suất, nhưng cảnh báo rằng các quan chức sẽ thực hiện thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Theo logic, lời cảnh báo này lẽ ra phải kéo thị trường đi xuống. Trước ngày 14/6, chỉ số S&P 500 đã tăng 20% từ mức đáy trong thị trường gấu, khi nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ dừng tay. Do đó, theo lẽ thường thì các nhà đầu tư phải bán tháo cổ phiếu khi có tin rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Tính chung cả tuần trước, chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt tăng 2,6%, 1,3% và 3,2%, tờ Barron's cho hay.
Vì sao nhà đầu tư lại mua thêm cổ phiếu? Bởi dẫu sao Fed cũng vẫn đang ở gần cuối chu kỳ tăng lãi suất, và điều này sẽ cho phép tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp ổn định lại.
Thậm chí, lợi nhuận của nhiều ngành sẽ tăng. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường trái phiếu có thể sẽ giảm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi vay.
Ông Julian Emanuel, chuyên gia của Evercore ISI, viết: “Sương mù chưa tan biến nhưng động lực của thị trường vẫn còn đó”.
Triển vọng Fed chấm dứt các đợt tăng lãi suất đem tới đủ động lực để chỉ số S&P 500 vượt qua một số ngưỡng kỹ thuật quan trọng.
Sau khi phá vỡ mốc 4.200 điểm vài tuần trước, S&P 500 hiện đang bỏ khá xa ngưỡng 4.300 điểm – mức đỉnh của thị trường vào tháng 8 năm ngoái sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cắt ngang cuộc phục hồi với lời nhắc nhở rằng chiến dịch tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc.
Hôm 15/6, S&P 500 lập đỉnh mới trong vòng 13 tháng. Kết phiên giao dịch tiếp theo, chỉ số này cũng chỉ giảm đôi chút. Đây là dấu hiệu cho thấy những người tham gia thị trường có đủ tự tin vào triển vọng tương lai để tiếp tục mua cổ phiếu.
Ít nhất là cho đến hiện tại, rủi ro của thị trường chứng khoán có vẻ không quá lớn. Kể từ đầu năm, S&P 500 đã nỗ lực trong gần chục phiên để phá vỡ mức 4.200 điểm. Hiện nay, mức 4.200 điểm có khả năng sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ cho S&P 500 nếu thị trường đi xuống. Và nếu ngưỡng hỗ trợ đó được giữ vững, nhiều khả năng S&P 500 sẽ tiếp tục tăng trở lại.
Ông Doug Peta, Giám đốc chiến lược của BCA Research, nhận định rằng “4.200 điểm quả là một ngưỡng đáng chú ý. Chỉ số S&P 500 đã cố gắng rất nhiều nhưng không thể vượt qua nó. Nhưng một khi S&P 500 làm được vậy, ngưỡng kháng cự đã biến thành ngưỡng hỗ trợ”.
Chống lại Fed hay đi ngược đám đông?
Thị trường chứng khoán không bao giờ có thể coi là phi rủi ro, và hiện giờ cũng vậy. Từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ được dẫn dắt bởi vỏn vẹn 8 cổ phiếu, tạo ra rủi ro cho toàn thị trường nếu một vài cổ phiếu đó suy sụp.
Chỉ số S&P 500 đang được định giá ở mức gấp 19 lần thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lại lên đến 5%, làm giảm sự hấp dẫn của cổ phiếu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chứng khoán Mỹ sắp thoát khỏi thị trường gấu nhưng vận may có thể bị đảo ngược vì 8 cổ phiếu 07/06/2023 - 10:11
Ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư của Truist, nhận xét: “Khi so sánh với dữ liệu trong quá khứ, định giá của thị trường hiện nay tương đối cao nếu xét cả rủi ro vĩ mô và lãi suất”.
Nhưng thị trường sẽ chỉ có thể giảm đáng kể nếu có chất xúc tác thực sự, ví dụ như dữ liệu kinh tế hay lợi nhuận doanh nghiệp kém cỏi.
Giám đốc Peta nhận định: “Tác động trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt kết hợp với một cuộc suy thoái trong nay mai sẽ biến kỳ vọng của các nhà đầu tư dành cho lợi nhuận doanh nghiệp thành nỗi thất vọng. Khi đó, thị trường sẽ trở nên thực sự mong manh”.
Nhưng giờ vẫn chưa phải lúc. Với tình hình thuận lợi như hiện nay, đà đi xuống của thị trường sẽ trở thành cơ hội mua vào của các nhà đầu tư, đặc biệt là nếu ngưỡng hỗ trợ không bị xuyên thủng. Ông Yung-Yu Ma, Giám đốc đầu tư tại BMO Wealth Management, cho biết: “Chúng tôi coi các nhịp thoái lui là cơ hội để mua thêm cổ phiếu”.
Nhà đầu tư thường sẽ phải trả giá đắt nếu chống lại Fed. Nhưng có lẽ đây là lúc họ không nên đi ngược với đám đông.