|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà đầu tư lướt sóng chán địa ốc Hà Nội

07:43 | 17/10/2019
Chia sẻ
Từ đầu năm 2019, thị trường Hà Nội vắng nhà đầu tư lướt sóng, nhiều người rút lui sau khi phải bán cắt lỗ nặng.

Anh Tuấn (Lò Đúc, Hà Nội) vừa bán cắt lỗ 300 triệu một căn hộ cao cấp mới nhận bàn giao trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Việc mua rồi khó bán là điều anh Hùng vẫn thường gặp khi đầu tư, nhưng đến mức bán lỗ thì anh mới gặp lần đầu sau 8 năm.

"Thường các căn hộ cao cấp ở những dự án kém chất lượng có thể phải cắt lỗ. Nhưng dự án tôi mua có chất lượng rất tốt mà nay tôi phải rao bán chấp nhận cắt lỗ ", anh Tuấn nói.

Bán xong căn hộ này, anh Tuấn rút tiền đầu tư nhà thấp tầng hoặc đất nền ở một số tỉnh miền Bắc.

Nhà đầu tư lướt sóng chán địa ốc Hà Nội - Ảnh 1.

Một khu vực tập trung nhiều dự án chung cư của Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Không chỉ kém thanh khoản, giá bán cắt lỗ, nhiều nhà đầu tư sau khi nhận bàn giao căn hộ cũng vỡ mộng về chất lượng dự án khiến họ không còn mặn mà rót tiền vào phân khúc này. Anh Minh mua căn hộ tại một dự án được quảng cáo là cao cấp ở Tây Hồ dự kiến để chuyên gia nước ngoài thuê nhưng bị chậm bàn giao gần một năm, tiện ích bị cắt xén...

Anh Sơn, một môi giới bất động sản đang làm việc tại sàn Đất Xanh miền Bắc nhận định, nếu như từ năm 2016 đến nửa đầu 2018 tỷ lệ khách mua chung cư để đầu tư mà anh tư vấn chiếm khoảng 30%, một số dự án giá tốt, tỷ lệ này có thể cao hơn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, tỷ lệ giảm còn 5-10%.

Theo anh, một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với phân khúc căn hộ bên cạnh vấn đề nguồn cung mới hiếm, giá bán bị đẩy cao, một phần còn do thanh khoản thấp, dẫn đến lãi ít, thậm chí có nơi phải cắt lỗ.

"Lòng tin của người mua nhà vào các chủ đầu tư xuống thấp do nhiều dự án chung cư vướng tranh chấp. Trong khi đó, các chủ đầu tư uy tín thì giá bán cao khiến khả năng lãi của nhà đầu tư giảm thấp", anh Sơn nhận định.

Báo cáo vừa công bố của Hội Môi giới Bất động sản cũng cho thấy từ đầu năm, thị trường Hà Nội vắng bóng các nhà đầu tư. Tình trạng đầu tư lướt sóng lãi nhanh từ bất động sản ở Hà Nội giảm mạnh. 

Bên cạnh đó, số lượng người mua để cho thuê, đầu tư nhỏ lẻ cũng kém hiệu quả hơn so với TP HCM nên nhà đầu tư Hà Nội không mặn mà với việc đổ tiền vào kênh này.

Các giao dịch thành công chủ yếu vẫn là khách hàng có nhu cầu sử dụng thực, dẫn đến tỷ lệ hấp thụ trong quý vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Việc không có nhiều nhà đầu tư cũng khiến giá bán căn hộ ổn định hơn, không biến động so với quý trước và chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR) cho rằng, thị trường Hà Nội đang ít sản phẩm, đồng thời giá trước đó lại tăng cao nên việc đầu tư khó có lãi. Kể cả phân khúc nhà giá rẻ, vốn có thể mang lại lãi tốt, song từ đầu năm cả thị trường Hà Nội cũng không có dự án mới.

Bên cạnh đó, loại căn hộ cho thuê vẫn dễ dàng tìm kiếm khách, song mức giá cho thuê thời gian qua hầu như không tăng trưởng, không biến động so với giai đoạn trước khiến nhiều nhà đầu tư không còn cảm thấy hứng thú.

Trong bối cảnh đó, một số thị trường tỉnh vùng ven Hà Nội, TP HCM có những biến động lớn về hạ tầng, thu hút vốn đầu tư nên thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Những thị trường này theo ông có ưu điểm là không cần huy động dòng tiền quá lớn, nhưng thanh khoản tốt và nhanh thu lãi hơn.

Trong quý IV, Hội Môi giới Bất động sản dự báo các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hoá... sẽ khởi sắc hơn quý III với nhu cầu đầu tư mạnh dịp cuối năm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.  

Ở một số thị trường vùng ven TP HCM như Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu... việc phát triển các dự án cũng diễn ra mạnh nên cũng đang là những thị trường thu hút nhà đầu tư Hà Nội.

Nguyễn Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.