Nhà đầu tư có thể bỏ lỡ cơ hội nếu bán tháo khi thị trường đang hoảng loạn
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua hai tuần đầy biến động. Có những phiên chỉ số Dow Jones tăng hoặc giảm cả nghìn điểm.
Theo CNBC, hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đêm 8/3 (theo giờ Mỹ) giảm 1.198 điểm, tương ứng với dự báo rằng chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ giảm khoảng 1.300 điểm khi thị trường mở cửa ngày 9/3. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq-100 cũng báo hiệu rằng thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm mạnh.
Như vậy sau hai tuần đầy thăng trầm, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn trải qua nhiều biến động nữa phía trước.
Nhà đầu tư bán tháo khi thị trường chứng khoán đang hoảng loạn chắc chắn phải chấp nhận thua lỗ. Không những thế, điều này có thể sẽ khiến nhà đầu tư lỡ mất cơ hội thu về lợi nhuận trong những ngày thị trường hồi phục mạnh mẽ.
Bank of America đã xem xét dữ liệu từ năm 1930 đến nay và phát hiện rằng nếu một nhà đầu tư bỏ lỡ 10 ngày chỉ số S&P 500 bật tăng mạnh nhất trong mỗi thập niên thì tổng lợi suất anh ta nhận về là 91%. Trong khi đó, nhà đầu tư kiên định nắm giữ cổ phiếu khi thị trường hỗn loạn có lợi suất lên đến 14.962%.
Bank of America nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai con số trên, thuyết phục nhà đầu tư "tránh bán tháo khi hoảng loạn", đồng thời chỉ ra rằng "trong chứng khoán, những ngày tốt đẹp nhất thường theo sau những ngày tồi tệ nhất".
Nếu nhìn vào chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, có thể thấy lịch sử đã lặp lại trong thị trường chứng khoán tuần vừa qua. Dow Jones giảm sâu trong ba ngày nhưng lại có hai phiên tăng điểm mạnh nhất trong lịch sử. Kết thúc tuần, Dow Jones tăng nhẹ 1,8%.
Theo CNBC, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư không nên cố gắng dự đoán thời điểm thị trường xảy ra bước ngoặt. Ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng khó có thể mua đáy - bán đỉnh.
Bất chấp lời khuyên này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn thích thử vận may. Gần đây, ứng dụng giao dịch nổi tiếng Robinhood đã rơi vào tình trạng quá tải và không thể vận hành được trong ngày 2/3 và 3/3.
Sự cố này đã khiến nhiều nhà đầu tư tức giận, và ít nhất một người đã đâm đơn khởi kiện, với lí do anh ta đã bỏ lỡ cơ hội khi Dow Jones bật tăng kỉ lục gần 1.300 điểm hôm 2/3.
Kết thúc tuần trước, thị trường chứng khoán vẫn nằm trong vùng điều chỉnh, mọi chỉ số quan trọng vẫn thấp hơn 12% so với mức đỉnh gần nhất.
Các chiến lược gia của Bank of America lưu ý rằng thị trường điều chỉnh là một hiện tượng bình thường. Ngân hàng này nói rằng trung bình mỗi năm thị trường điều chỉnh một lần, và thường phục hồi trong ba tháng tiếp theo.
Các chiến lược gia cũng không cho rằng chứng khoán sẽ rơi vào thị trường giá xuống (thị trường gấu). Hiện tại, trong danh sách chỉ báo thị trường giá xuống (bao gồm những yếu tố như niềm tin của người tiêu dùng và chính sách tiền tệ) của Bank of America, mới chỉ có 53% số dấu hiệu đã được kích hoạt.
Kể từ năm 1960, thường có hơn 80% dấu hiệu trong danh sách này được kích hoạt trước những lần thị trường đạt đỉnh.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục đảo lộn thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, ngân hàng này cũng không có cái nhìn lạc quan như trước nữa.
Hôm 2/3, Bank of America đã cắt giảm 5% ước tính thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của chỉ số S&P 500, đồng thời hạ dự báo về S&P 500 cuối năm còn 3.100 điểm.
Ngân hàng nói: "Các tít báo tiêu cực và bán tháo ồ ạt không phải là lí do tốt để nhà đầu tư bán cổ phiếu. Nhưng giờ đây bùng phát COVID-19 đã thực sự ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của doanh nghiệp".
Nếu nhà đầu tư thấy cần phải hành động khi thị trường đi xuống, chiến lược gia trưởng về thị trường chứng khoán JJ Kinahan của TD Ameritrade khuyên rằng chỉ nên thực hiện những giao dịch nhỏ.
Ông nói: "Vấn đề là hầu hết mọi người hoặc là suy nghĩ quá nhiều, hoặc là chẳng nghĩ gì cả: Hãy suy nghĩ vừa phải".
"Điều này cũng đúng với những cơ hội trong thị trường chứng khoán. Có nghĩa là, nếu nhà đầu tư thấy một chứng khoán đã rơi xuống mức giá anh ta thích, thì anh ta có thể mua một ít, nhưng đừng đổ hết tiền vào nó. Nếu giá tiếp tục giảm thì anh ta sẽ có cơ hội mua thêm với giá rẻ hơn".