Nhà đầu tư cá nhân đẩy VN-Index lập đỉnh lịch sử tuần 14 - 18/6
VN-Index khép lại tuần giao dịch thứ 25 trong năm 2021 tại vùng đỉnh lịch sử mới. Trải qua 4 phiên tăng điểm và 1 phiên giảm, VN-Index chinh phục cột mốc 1.377,77 điểm, tăng 17,85 điểm (tương ứng với 1,31%), HNX-Index tăng 0,52% lên 318,73 điểm, UPCoM-Index tăng 0,74% lên mức 90,22 điểm.
Vượt qua những lo ngại của trước ngưỡng cản 1.370 điểm, phiên giao dịch bùng nổ ngày 18/6 chứng kiến sự bứt phá của VN-Index. Thanh khoản sàn HOSE phiên cuối tuần đạt 23.418 tỷ đồng, với giá trị giao dịch toàn thị trường gần 29.000 tỷ đồng, tăng 6,3% so với phiên trước. Thanh khoản trung bình tuần trên sàn HOSE là 23.586 tỷ đồng.
Thống kê cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index trong tuần. (Nguồn: Vietstock.)
Cổ phiếu bất động sản soán ngôi nhóm ngân hàng, trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền. Chỉ riêng hai đại diện VHM (Vinhomes) và GVR đã đóng góp tới 9,86 điểm cho đà tăng của VN-Index tuần vừa qua.
Tuy giảm nhiệt, cổ phiếu họ ngân hàng vẫn là nhóm thu hút khối lượng giao dịch lớn. Một số đại diện ngân hàng lớn như VCB (tăng 5,54%), BID (2,1%), MBB (2,92%) đều xuất hiện trong top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số. Đáng chú ý, phiên giao dịch 18/6 đưa VCB (Vietcombank) vượt qua Vingroup, trở thành doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường với giá trị 402.400 tỷ đồng (17,5 tỷ USD). Cổ phiếu VCB đóng cửa tuần ở 108.500 đồng/cp, tăng 4,1%.
Giao dịch của NĐT cá nhân là lực đẩy giúp VN-Index vượt đỉnh
Thống kê giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).
Đánh giá theo nhóm nhà đầu tư, nhóm tự doanh và các tổ chức trong nước có động thái bán chốt lời mạnh mẽ trong tuần VN-Index vượt đỉnh. Hai nhóm này duy trì trạng thái bán ròng với giá trị khớp lệnh lên đến gần 1.300 tỷ đồng.
Áp lực xả hàng này được hấp thụ phần lớn bởi các NĐT cá nhân. Theo thống kê tuần 14-18/6, các cá nhân trong nước mua ròng khớp lệnh 1.215 tỷ đồng. Sức mua từ NĐT cá nhân tăng 16% so với tuần trước, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ cho thị trường chứng khoán. Khối ngoại cũng đảo chiều mua ròng, với giá trị mua ròng khá "khiêm tốn" đạt 74 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Giao dịch mua của các cá nhân tập trung ở nhóm tài nguyên cơ bản (thép) và ngân hàng. Chỉ riêng giao dịch khớp lệnh tại 2 nhóm này chiếm tới 71% giá trị mua ròng trong tuần. Một số cổ phiếu thu hút lực mua trong tuần là: HPG, MBB, CTG, KDC, NVL, TCB, KBC, VIC, FPT, SBT.
Dòng tiền mua lan tỏa tại cổ phiếu thép (HPG), ngân hàng và bất động sản
Mặc dù liên tục bị xả hàng trước dấu hiệu chững lại của giá thép, HPG của Hòa Phát là mã dẫn đầu về giá trị mua ròng của NĐT cá nhân. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 1.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Theo ghi nhận, các cá nhân trong nước đã mua ròng 1.104,3 tỷ đồng Hòa Phát trong tuần 14 - 18/6. Theo báo cáo của VDSC, lợi nhuận ước đạt 10.200 tỷ đồng trong quý II được cho là yếu tố hấp dẫn NĐT cá nhân. Tuy đánh giá sản lượng tiêu thụ thép sẽ "hạ nhiệt" trong quý III, VDSC vẫn điều chỉnh dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của tập đoàn tăng 17% từ 29.000 tỷ đồng lên 34.000 tỷ đồng.
Thống kê cổ phiếu được NĐT cá nhân mua bán nhiều nhất qua kênh khớp lệnh. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).
Sau chu kỳ dẫn dắt thị trường của cổ phiếu họ ngân hàng, ông Phan Dũng Khánh (Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam) đánh giá chỉ một số ít cổ phiếu còn dư địa tăng giá theo chất lượng thực sự của ngân hàng.
MBB (708,6 tỷ đồng), CTG (520,3 tỷ đồng) và TCB (169 tỷ đồng) là 3 đại diện ngân hàng duy nhất được NĐT cá nhân mua ròng trong tuần qua. Đáng chú ý, CTG (Vietinbank) có diễn biến tích cực sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng trong hai quý cuối năm 2021.
KDC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido xếp thứ 4 với giá trị mua ròng khớp lệnh 258,7 tỷ đồng. Phần lớn giá trị này đến từ giao dịch thoái vốn của Allright Assets Limited – quỹ thuộc VinaCapital. Theo báo cáo, quỹ này đã hoàn tất bán 2,6 triệu cổ phiếu KDC vào ngày 14/6 với thị giá 58.900 đồng/cp.
Là tâm điểm giao dịch tuần, nhóm cổ phiếu bất động sản góp mặt trong top mua ròng với NVL (183,5 tỷ đồng), KBC (165,7 tỷ đồng), VIC (159,1 tỷ đồng). Lực mua cũng lan tỏa tại một số cổ phiếu khác như FPT (155,4 tỷ đồng) và SBT (131,1 tỷ đồng)
Tại chiều bán, NĐT cá nhân bán ròng ngành bất động sản, thực phẩm đồ uống. Cụ thể, FLC dẫn đầu với giá trị bán ròng khớp lệnh 532,1 tỷ đồng. Giá trị rút ròng này được hấp thụ chủ yếu bới nhóm các tổ chức trong nước.
Được biết, tập đoàn FLC đang chuẩn bị cho kế hoạch chào bán gần 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:7. Ngày chốt danh sách cổ đông và giá chào bán hiện chưa được xác định.
Bên cạnh đó, các cá nhân trong nước cũng rút vốn mạnh khỏi VPB (362,4 tỷ đồng), VRE (295,4 tỷ đồng), VNM (275 tỷ đồng) và HSG (204,6 tỷ đồng). Các mã PDR, STB, VCB, MSN cũng bị bán ròng với giá trị rút ròng khớp lệnh dưới 200 tỷ đồng.
Giao dịch này khá đối ứng với các NĐT nước ngoài. Theo ước tính của SSI Research, quỹ FTSE ETF đã mua vào khoảng 3,3 triệu cổ phiếu HSG trong tuần 14 - 18/6. Quỹ V.N.M ETF cũng thêm mới PDR (3,7 triệu cp), STB (8 triệu cp) và HSG (4,3 triệu cp) trong kỳ cơ cấu danh mục. Quỹ này cũng tăng sở hữu đối với các mã VNM, VHM và MSN.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/